• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 36/2014/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Trị, ngày 31 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Ban hành Quy định về quy trình phân tích

 nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

 phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

_________________

 

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi tắt là vật thể phải phân tích nguy cơ).

2. Thông tư này áp dụng đối với Cục Bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại, xem xét lại các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đã thực hiện hoặc đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vùng phân tích nguy cơ dịch hại là một quốc gia, một phần của quốc gia, hoặc toàn bộ hoặc nhiều phần của vài quốc gia được công nhận chính thức (sau đây gọi tắt là vùng).

2. Vùng sinh thái nông nghiệp Việt Nam gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng là loài thuộc Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ban hành theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Sự xâm nhập của một loài sinh vật gây hại là sự xâm nhập của một loài sinh vật gây hại vào một vùng mà ở đó chúng chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp và phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

5. Du nhập là sự xâm nhập và thiết lập quần thể của một loài sinh vật gây hại.

6. Thiết lập quần thể là sự tồn tại và phát triển trong tương lai gần của một loài sinh vật gây hại tại một vùng sau khi xâm nhập.

7. Nhiễm sinh vật gây hại của một loại hàng hóa là sự có mặt của một loài sinh vật gây hại thực vật được quan tâm trong hàng hóa. Sự nhiễm sinh vật gây hại bao gồm cả sự lây nhiễm.

8. Bao gói là vật liệu được sử dụng trong việc hỗ trợ, bảo vệ hoặc mang hàng hóa.

9. Quản lý nguy cơ dịch hại (đối với đối tượng kiểm dịch thực vật) là đánh giá và lựa chọn những biện pháp để làm giảm nguy cơ du nhập và lan rộng của sinh vật gây hại.

10. Biện pháp kiểm dịch thực vật là biện pháp nhằm ngăn chặn sự du nhập hoặc lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc giảm thiệt hại về kinh tế của đối tượng phải kiểm soát.

11. Lan rộng là sự mở rộng phạm vi phân bố địa lý của loài sinh vật gây hại trong một vùng.

12. Đường lan truyền là phương thức mà theo đó sinh vật gây hại du nhập hoặc lan rộng.

13. Phân cấp sinh vật gây hại là quá trình xác định một loài sinh vật gây hại nào đó có hay không có những đặc điểm của đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát.

Điều 3. Yêu cầu chung

1. Đối với vật thể phải phân tích nguy cơ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ xem xét và quyết định việc thực hiện phân tích nguy cơ trở thành cỏ dại trước khi thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại theo Thông tư này;

2. Phân tích nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đối với sinh vật có ích sử dụng trong bảo vệ thực vật nhập khẩu vào Việt Nam thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

3. Quy trình Phân tích nguy cơ dịch hại phải bao gồm ba giai đoạn

a) Khởi đầu quá trình phân tích nguy cơ dịch hại;

b) Đánh giá nguy cơ dịch hại;

c) Quản lý nguy cơ dịch hại.

4. Báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại phải thể hiện đầy đủ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với thực vật nhập khẩu. Hình thức, nội dung báo cáo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại phải tuân thủ quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để phân tích nguy cơ dịch hại theo mẫu quy định tại Phụ lục I (đối với trường hợp phân tích nguy cơ dịch hại là thực vật) hoặc Phụ lục II (đối với trường hợp phân tích nguy cơ dịch hại ảnh hưởng đến môi trường của sinh vật có ích nhập khẩu sử dụng trong bảo vệ thực vật) ban hành kèm theo Thông tư này; đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ.

Điều 4. Kinh phí thực hiện

Hàng năm, Nhà nước đảm bảo cấp kinh phí thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ.

Chương II

QUY TRÌNH PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI

Điều 5. Giai đoạn khởi đầu quá trình phân tích nguy cơ dịch hại

1. Điểm khởi đầu khi thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại

a) Xác định đường lan truyền sinh vật gây hại mà theo đó đối tượng kiểm dịch thực vật có thể du nhập, lan rộng;

b) Xác định sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật.

2. Phân tích nguy cơ dịch hại bắt đầu bằng đường lan truyền

Yêu cầu đối với phân tích nguy cơ dịch hại mới hoặc sửa đổi bắt đầu từ những tình huống sau:

a) Một loại hàng hóa mới hoặc loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ mới dự kiến xuất khẩu vào Việt Nam;

b) Loài thực vật mới chưa có ở Việt Nam được nhập khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học và chọn giống;

c) Đường lan truyền khác: lan rộng tự nhiên, bao bì đóng gói, bưu phẩm, chất thải, hành lý của hành khách,...;

d) Có sự thay đổi quy định về kiểm dịch thực vật hoặc các yêu cầu liên quan đến hàng hóa nhập khẩu;

đ) Biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới hoặc thông tin mới cần xem xét.

3. Phân tích nguy cơ dịch hại bắt đầu từ loài sinh vật gây hại

Yêu cầu đối với một phân tích nguy cơ dịch hại mới hoặc sửa đổi bắt đầu từ một trong những tình huống sau:

a) Phát hiện loài sinh vật gây hại mới đã thiết lập trong vùng phân tích nguy cơ dịch hại;

b) Phát hiện loài sinh vật gây hại mới trong hàng hóa nhập khẩu;

c) Loài sinh vật gây hại có nguy cơ gây hại lớn hơn ở vùng mới so với vùng phân tích nguy cơ dịch hại và vùng xuất xứ;

d) Loài sinh vật gây hại cụ thể bị tái phát hiện;

đ) Yêu cầu nhập khẩu một loài sinh vật để nghiên cứu, thực nghiệm, giảng dạy, thương mại hoặc làm sinh vật cảnh;

e) Biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới hoặc thông tin mới cần xem xét.

4. Lập Danh mục sinh vật gây hại có thể lan truyền theo hàng hóa nhập khẩu. Sau đó mỗi loài sinh vật gây hại trong Danh mục này sẽ được chuyển qua giai đoạn 2 của quy trình phân tích nguy cơ dịch hại. Nếu không có đối tượng kiểm dịch thực vật theo đường lan truyền thì phân tích nguy cơ dịch hại sẽ dừng tại đây.

Điều 6. Xem xét lại kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đã thực hiện

1. Xem xét báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại có liên quan đã thực hiện. Nếu đã có sự đánh giá đầy đủ trước đây về phân tích nguy cơ dịch hại thì sử dụng kết quả đó.

2. Xem xét thực trạng hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ các nước khác mà đã được phân tích nguy cơ dịch hại.

Điều 7. Đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại

Đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ có khả năng sử dụng để trồng trọt thực hiện theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 8. Nội dung đánh giá nguy cơ dịch hại

1. Phân tích số liệu sinh vật gây hại được phát hiện trên vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cùng loại đã được nhập khẩu vào Việt Nam: Tổng hợp số liệu về việc phát hiện sinh vật gây hại trên hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo mẫu quy định tại Bảng 1, Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phân cấp sinh vật gây hại

a) Nguồn thông tin để xây dựng Danh mục sinh vật gây hại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ bao gồm:

Danh mục và thông tin về sinh vật gây hại của nước xuất khẩu và những yêu cầu về thông tin liên quan được quy định cụ thể trong Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

Danh mục sinh vật gây hại đã phát hiện trên vật thể phải phân tích nguy cơ được xây dựng theo mẫu quy định tại Bảng 1, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Các kết quả đánh giá nguy cơ dịch hại trước đây;

Cơ sở dữ liệu quốc tế có liên quan.

b) Thông tin sử dụng để phân cấp sinh vật gây hại gồm:

Phân bố địa lý (bản đồ phân bố, vùng khí hậu);

Đặc điểm sinh học;

Phương thức gây hại;

Đường lan truyền;

Các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đang được áp dụng;

Các thông tin liên quan khác.

c) Kết quả phân cấp sinh vật gây hại được xây dựng theo mẫu quy định tại Bảng 2, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xác định sinh vật gây hại có khả năng trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật

a) Các tiêu chí để xác định gồm:

Có phân bố ở nước xuất khẩu;

Có khả năng đi theo vật thể phải phân tích nguy cơ;

Có tiềm năng trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật.

b) Các sinh vật gây hại trong Danh mục theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều này đáp ứng các tiêu chí được quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được đưa vào Danh mục sinh vật gây hại có khả năng trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật để tiếp tục đánh giá theo mẫu tại Bảng 3, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đánh giá hậu quả du nhập

a) Đối với mỗi loài sinh vật gây hại, hậu quả du nhập được đánh giá căn cứ vào 5 yếu tố nguy cơ bao gồm: Mối quan hệ giữa sinh vật gây hại với ký chủ và khí hậu; Phổ ký chủ; Khả năng phát tán; Tác động kinh tế; Tác động môi trường. Việc đánh giá thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Tổng hợp kết quả đánh giá hậu quả du nhập

Kết quả đánh giá hậu quả du nhập của sinh vật gây hại được thực hiện theo mẫu quy định tại Bảng 4, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Đánh giá khả năng du nhập

a) Khả năng du nhập của mỗi loài sinh vật gây hại được đánh giá căn cứ vào 6 yếu tố nguy cơ bao gồm: Khối lượng của vật thể phải phân tích nguy cơ nhập khẩu hàng năm; Khả năng sống sót của sinh vật gây hại sau khi xử lý; Khả năng sống sót của sinh vật gây hại trong quá trình vận chuyển; Khả năng sinh vật gây hại không phát hiện được tại cửa khẩu; Khả năng sống sót của sinh vật gây hại tại nơi mà vật thể phải phân tích nguy cơ được chuyển đến; Ký chủ phù hợp cho sự sinh sản của sinh vật gây hại. Việc đánh giá thực hiện theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Tổng hợp kết quả đánh giá khả năng du nhập

Kết quả đánh giá khả năng du nhập của sinh vật gây hại theo mẫu quy định tại Bảng 5, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Kết luận về mức nguy cơ dịch hại và yêu cầu các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với sinh vật gây hại

a) Tổng hợp kết quả về mức nguy cơ dịch hại của sinh vật gây hại theo mẫu quy định tại Bảng 6, Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này.

b) Tùy theo mức nguy cơ của mỗi loài sinh vật gây hại để đưa ra biện pháp quản lý nguy cơ như sau:

Nguy cơ thấp: Không cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật;

Nguy cơ trung bình: Cần thiết áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật cụ thể;

Nguy cơ cao: Phải áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật chặt chẽ và cụ thể.

Điều 9. Quản lý nguy cơ dịch hại

1. Biện pháp quản lý

Trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ dịch hại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ, có sự tham khảo ý kiến của các bên liên quan như: các nhà khoa học, quản lý, sản xuất, nhập khẩu để đưa ra các yêu cầu quản lý cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại như sau:

a) Yêu cầu nước xuất khẩu thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật cụ thể đối với vật thể phải phân tích nguy cơ vào Việt Nam;

b) Thống nhất với nước xuất khẩu về việc xuất khẩu vật thể phải phân tích nguy cơ vào Việt Nam.

2. Các biện pháp quản lý để giảm thiểu nguy cơ dịch hại gồm:

a) Cấm nhập khẩu vật thể phải phân tích nguy cơ từ những quốc gia hoặc vùng cụ thể;

b) Yêu cầu phải có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;

c) Kiểm tra tại nước xuất khẩu;

d) Yêu cầu các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật tại nước xuất khẩu;

đ) Yêu cầu vật thể phải phân tích nguy cơ được sản xuất tại vùng không nhiễm sinh vật gây hại;

e) Kiểm tra, xử lý tại cửa khẩu;

g) Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu;

h) Các biện pháp khác.

3. Đánh giá hiệu quả và tác động của các biện pháp quản lý

Việc đánh giá hiệu quả và tác động của các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại được thực hiện dựa trên các tiêu chí sau:

a) Kinh tế;

b) Môi trường;

c) Xã hội;

d) Tính khả thi;

đ) Sự phù hợp với những quy định đang áp dụng;

e) Thời gian cần thiết để áp dụng một biện pháp mới.

4. Lựa chọn biện pháp

Trên cơ sở xem xét những tác động và hiệu quả của các biện pháp quản lý để đưa ra sự lựa chọn phù hợp đối với mỗi đối tượng kiểm dịch thực vật cụ thể; đề xuất các biện pháp kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vật thể phải phân tích nguy cơ.

5. Dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại

a) Dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại.

6. Dự thảo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu

a) Dự thảo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm Thông tư này;

b) Tổ chức lấy ý kiến về yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

7. Hoàn chỉnh báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật

1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại theo quy định tại Thông tư này.

2. Thông báo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Quốc Doanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.