THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH
của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp số 01/TTLN ngày 1-2-1994 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của các toà án quân sự
______________________
Để thực hiện đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự (sau đây gọi là Pháp lệnh) về thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự;
Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn như sau:
I. VỀ ĐỐI TƯỢNG THUỘC THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TOÀ ÁN QUÂN SỰ
1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh thì những vụ án hình sự mà người phạm tội là quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý, thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu.
2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Pháp lệnh, những vụ án hình sự mà người phạm tội không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh (kể cả xã đội trưởng) chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự nếu họ phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.
a) Bí mật quân sự là bí mật của quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng được xác định là bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
b) Gây thiệt hại cho quân đội là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh hoặc tài sản của những người này được quân đội cấp phát để thực hiện nhiệm vụ quân sự; gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của quân đội. Tài sản của quân đội là tài sản do quân đội quản lý, sử dụng, kể cả trường hợp quân đội giao tài sản đó cho dân quân, tự vệ hoặc bất kỳ người nào khác quản lý, sử dụng để chiến đấu hoặc phục vụ quân đội.
Các trường hợp phạm tội trong khu vực có bảo vệ của quân đội, trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ của các công trình quan trọng về an ninh quốc phòng do quân đội quản lý cũng được coi là gây thiệt hại cho quân đội.
3. Theo quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh thì: Đối với những người không còn phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong quân đội hoặc những người đang phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào quân đội thì Toà án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội; những tội phạm khác do Toà án nhân dân xét xử, do đó, cần xác định như sau:
a) Thời gian phục vụ trong quân đội được tính từ:
- Thời điểm nhập ngũ;
- Thời điểm có mặt nơi tuyển dụng, nơi tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, phối thuộc chiến đấu với quân đội, nơi được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý.
b) Thời gian phục vụ trong quân đội được kết thúc vào:
- Thời điểm nhận quyết định ra quân trong các trường hợp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc, nghỉ hưu, nghỉ mất sức hoặc nghỉ việc theo các chế độ, chính sách xã hội khác;
- Thời điểm cắt quân số trong các trường hợp đào ngũ, vắng mặt trái phép;
- Thời điểm bị tước danh hiệu quân nhân trong các trường hợp vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật;
- Thời điểm kết thúc thời hạn tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, phối thuộc chiến đấu với quân đội hoặc thời điểm hết hạn trưng tập làm nhiệm vụ do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý trong trường hợp không có quyết định của cơ quan quân sự có thẩm quyền về việc kéo dài thêm thời hạn này.
4. Theo quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh thì: Trong trường hợp vụ án vừa có người phạm tội hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự, vừa có người phạm tội hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân thì Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án; nếu có thể tách ra để xét xử riêng thì Toà án quân sự xét xử người phạm tội theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Pháp lệnh, người phạm tội và tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân; do đó, cần chú ý:
a) Chỉ được tách vụ án để xét xử riêng, nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án;
b) Khi xét thấy cần tách vụ án để xét xử riêng, thì Toà án quân sự đã thụ lý vụ án trao đổi với Viện kiểm sát quân sự có trách nhiệm duy trì công bố tại phiên toà về việc đó. Nếu Viện kiểm sát quân sự thống nhất với ý kiến của Toà án quân sự, thì Toà án quân sự chuyển trả hồ sơ cho Viện kiểm sát quân sự để giải quyết theo thẩm quyền. Trong trường hợp Viện kiểm sát quân sự không thống nhất với ý kiến của Toà án quân sự, thì Toà án quân sư đã thụ lý vụ án phải xét xử toàn bộ vụ án.
5. Để thực hiện đúng quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ và phù hợp với việc tổ chức, hoạt động của quân đội, thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Toà án quân sự được thực hiện như sau:
a) Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự cấp nào xảy ra trên địa bàn có Toà án quân sự cấp đó thì do Toà án quân sự cấp đó xét xử. Việc phân định địa bàn trong quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự do Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.
b) Trong trường hợp người phạm tội thuộc đơn vị của quân chủng và tổ chức tương đương có tổ chứ Toà án quân sự, thì vụ án do Toà án quân sự của quân chủng và tổ chức tương đương xét xử, không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm.
Trong trường hợp người phạm tội là những người theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Pháp lệnh mà tội phạm của họ gây thiệt hại trực tiếp cho quần chúng và tổ chức tương đương, thì vụ án cũng do Toà án quân sự của quân chủng và tương đương xét xử.
c) Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc trong trường hợp có nhiều Toà án quân sự khác nhau có thẩm quyền xét xử vụ án do việc trong vụ án có nhiều người phạm tội thuộc nhiều đơn vị khác nhau hoặc do việc người phạm tội thực hiện tội phạm ở nhiều nơi, nếu Viện kiểm sát quân sự truy tố bị can trước Toà án quân sự nào, thì Toà án quân sự đó xét xử vụ án.
II. VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TOÀ ÁN QUÂN SỰ CÁC CẤP.
Khi thực hiện quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, Toà án quân sự các cấp cần thực hiện như sau:
1. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 của Pháp lệnh thì Toà án quân sự trung ương có thẩm quyền sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, những vụ án mà người phạm tội khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm cấp tướng hoặc là người có chức vụ Chỉ huy trưởng sư đoàn, Cục trưởng hoặc cấp tương đương trở lên, những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án quân sự quân khu và tương đương, nhưng Toà án quân sự trung ương lấy lên để xét xử.
Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp là những vụ án gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chung của quân đội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đường lối chính sách lớn của Nhà nước về chính trị, kinh tế, ngoại giao, tôn giáo, dân tộc hoặc những vụ án có liên quan đến nhiều ngành nhiều cơ quan trong và ngoài quân đội, trong nước và ngoài nước.
2. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 22 và khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh thì Toà án quân sự quân khu và tương đương có thẩm quyền xét xử người phạm tội là quân nhân có quân hàm từ trung tá đến đại tá hoặc có chức vụ từ Chỉ huy trưởng trung đoàn và tương đương đến Phó chỉ huy trưởng sư đoàn, Phó Cục trưởng và tương đương.
3. Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh thì Toà án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử người phạm tội là quân nhân có quân hàm từ thiếu tá trở xuống hoặc có chức vụ từ Phó chỉ huy trưởng trung đoàn và tương đương trở xuống.
4. Cấp tương đương được nêu ở các điểm 1, 2, 3 mục này được xác định theo quy định chung của quân đội.
Cấp quân hàm được nêu ở các điểm 2, 3 mục này bao gồm cấp quân hàm của quân nhân tại ngũ và cấp quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Các cơ quan điều tra hình sự trong quân đội, các Viện kiểm sát quân sự có trách nhiệm điều tra, truy tố những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự được hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc thì Toà án quân sự, các cơ quan có liên quan phản ánh lên Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng để có hướng dẫn kịp thời.