• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/06/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 03/11/2008
BỘ TƯ PHÁP
Số: 555/TT-THA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 10 tháng 6 năm 1993

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số vấn đề về công tác thi hành án dân sự

_________________

 

Để thi hành Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên, Chỉ thị số 266-TTg ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai bàn giao và tăng cường công thi hành án dân sự, Thông tư liên ngành số 01-TT/LN ngày 26 tháng 5 năm 1993 hướng dẫn việc bàn giao công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề sau đây:

I. VIỆC THÀNH LẬP CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Để thi hành điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993, điểm a khoản 1 của chỉ thị số 266-TTg ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ, khoản 1 Mục III của Thông tư liên ngành số 01-TT/LN ngày 26 tháng 5 năm 1993, Bộ Tư pháp yêu cầu:

1. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương lập đề án tổ chức Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp và các Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gửi về Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp chậm nhất đến ngày 20 tháng 6 năm 1993 để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập.

Đề án tổ chức cơ quan thi hành án phải nêu rõ cơ cấu tổ chức của Phòng thi hành án, Đội thi hành án, biên chế, số chấp hành viên và các cán bộ làm công tác thi hành án, nguồn và phương án bố trí cán bộ (kể cả việc kiêm nhiệm), dự kiến nhân sự để bổ nhiệm chấp hành viên. Kèm theo đề án, Giám đốc Sở Tư pháp làm thủ tục đề xuất nhân sự gửi Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giám đốc Sở Tư pháp làm thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Trước mắt, đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp bố trí, sắp xếp, sử dụng số chấp hành viên, chấp hành viên trưởng và cán bộ thi hành án chuyển từ các Toà án sang. Việc tuyển chọn người mới để đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên hoặc bổ sung cán bộ làm công tác thi hành án cần được thực hiện chặt chẽ, đối chiếu với các tiêu chuẩn chấp hành viên đã được quy định, tránh tình trạng đề nghị bổ nhiệm hoặc đưa vào biên chế ồ ạt, không bảo đảm tiêu chuẩn.

Bộ Tư pháp dự kiến phân bổ biên chế của Phòng thi hành án, Đội thi hành án như sau:

a) Đối với Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp:

- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, biên chế không quá 15 người;

- Các tỉnh đồng bằng, trung du, thành phố Hải Phòng, biên chế không quá 10 người;

- Các tỉnh miền núi, biên chế không quá 7 người.

b) Đối với Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp:

- Các quận của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, biên chế không quá 10 người;

- Thành phố thuộc tỉnh, các quận của thành phố Hải Phòng, biên chế không quá 6 người;

- Các thị xã, biên chế không quá 5 người;

- Các huyện đồng bằng , trung du , biên chế từ 3-5 người.

- Các huyện miền núi , biên chế 2 người

Trên cơ sở dự kiến biên chế của Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để lập đề án đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân bổ biên chế cho các Phòng thi hành án và Đội thi hành án.

2. Đối với quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi do khó khăn chưa thành lập ngay được Phòng Tư pháp, thì Giám đốc Sở Tư pháp lập đề án tổ chức Phòng Tư pháp, có dự kiến tổ chức Đội thi hành án, trình Uỷ ban nhân dân ra quyết định thành lập Phòng Tư pháp, đồng thời báo cáo Cục quản lý thi hành án dân sự để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập đội thi hành án. Cho đến khi Phòng Tư pháp được thành lập, Giám đốc Sở Tư pháp trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của Đội thi hành án.

3. Ở huyện, nơi số lượng bản án, quyết định về dân sự phải thi hành án hàng năm quá ít, thì chưa thành lập Đội thi hành án, nhưng vẫn phải có chấp hành viên ; nếu vẫn chưa có chấp hành viên, thì Giám đốc Sở Tư pháp khẩn trương lựa chọn người và làm thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Ở huyện, nơi chưa thành lập Đội thi hành án, việc ra các quyết định về thi hành án mà theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh thi hành án dân sự là thuộc thẩm quyền của Đội trưởng Đội thi hành án, thì do Trưởng Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp đảm nhiệm.

4. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đã thành lập Phòng thi hành án mà chưa có Trưỏng phòng, thì Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn chấp hành viên gửi Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định giao chấp hành viên đó quyền Trưởng Phòng thi hành án.

Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi đã thành lập Đội thi hành án mà chưa có Đội trưởng, thì Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn chấp hành viên và sau khi thống nhất ý kiến với Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định giao chấp hành viên đó quyền Đội trưởng Đội thi hành án.

5. Ở địa phương, nơi cơ quan thi hành án có biên chế chấp hành viên, cán bộ thi hành án từ 10 người trở lên và có số lượng bản án, quyết định phải thi hành hàng năm tương đối lớn, thì có thể có một Phó trưởng Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp, một Đội phó Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Phó trưởng Phòng thi hành án do Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự bổ nhiệm trong số chấp hành viên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Đội phó Đội thi hành án do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm trong số chấp hành viên quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo đề nghị của Trưởng Phòng Tư pháp.

II. VIỆC VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN,QUY CHẾ CHẤP HÀNH VIÊN

1. Việc vận dụng tiêu chuẩn "tương đương" Đại học Pháp lý quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ được cụ thể hoá như sau:

a) Tiêu chuẩn "tương đương" Đại học Pháp lý được áp dụng cho những người đã học xong chương trình đại học Pháp lý nhưng chưa được cấp bằng Đại học Pháp lý hoặc những người đã tốt nghiệp Cao đẳng Toà án, Cao đẳng Kiểm sát, Cao đẳng Cảnh sát, Cao đẳng An ninh đang làm công tác pháp luật hoặc những người đang học Đại học Pháp lý tại chức đã qua 3/4 chương trình hoặc những người đã học xong 5 khoá luân huấn theo chương trình Đại học Pháp lý.

b) Ở các huyện miền núi, vùng cao, vùng sâu, huyện đảo, nơi chưa có người đủ tiêu chuẩn chấp hành viên, chấp hành viên trưởng, thì Giám đốc Sở Tư pháp vận dụng tiêu chuẩn về kiến thức pháp lý quy định tại Thông tư số 394-QLTA ngày 22 tháng 5 năm 1990 của Bộ Tư pháp lựa chọn cán bộ đưa vào danh sách để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, bổ nhiệm chấp hành viên,chấp hành viên trưởng.

2. Các chấp hành viên, chấp hành viên trưởng đương nhiệm trước ngày ký Thông tư này vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho tới khi được bổ nhiệm theo quy định mới.

Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự,Giám đốc Sở Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiến hành rà soát đội ngũ chấp hành viên hiện có, làm thủ tục để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và đổi thẻ chấp hành viên, chấp hành viên trưởng chậm nhất đến hết quý III năm 1993. Trong thời hạn này, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án cho chấp hành viên, chấp hành viên trưởng chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án.

Việc vận dụng các tiêu chuẩn chấp hành viên, chấp hành viên trưởng quy định tại các điểm a, b khoản 1 Mục II của Thông tư này chỉ được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày ký Thông tư này. Quá thời hạn đó,nếu chấp hành viên, chấp hành viên trưởng vẫn chưa có đủ điều kiện quy định tại điều 13 của Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ, thì sẽ xem xét lại việc tiếp tục giữ chức vụ chấp hành viên, chấp hành viên trưởng.

3. Việc bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ được thực hiện như sau:

a) Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ gửi Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự xem xét để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

b) Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng gồm có:

- Đơn tình nguyện đảm nhiệm chức vụ của người được đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng;

- Sơ yếu lý lịch cá nhân theo mẫu do Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định;

- Bản sao bằng đại học Pháp lý, chứng chỉ tương đương đại học Pháp lý, giấy chứng nhận sức khoẻ của cơ quan y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên, giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ thi hành án.

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc Cục trưởng Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

Đối với việc bổ nhiệm chấp hành viên trưởng, thì trong hồ sơ đề nghị bbổ nhiệm phải có ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

III. VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH VÀ KINH PHÍ THI HÀNH ÁN

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý ngân sách và kinh phí thi hành án bao gồm 3 khâu: kế hoạch, cấp phát và quyết toán như sau:

1. Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1993, căn cứ vào kế hoạch ngân sách và hạn mức kinh phí được duyệt, Bộ Tư pháp trực tiếp cấp kinh phí thi hành án bao gồm kinh phí chi cho con người, cho công việc, chi khác, chi cải tạo mở rộng trụ sở.. cho Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với kinh phí thi hành án của các Đội thi hành án thuộc phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì được Bộ Tư pháp cấp qua tài sản mở tại Chi cục Kho bạc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Phồng thi hành án thuộc Sở Tư pháp, đồng thời thông báo hạn mức kinh phí cấp phát cho Đội thi hành án.

2. Căn cứ vào hạn mức kinh phí được cấp và theo thông báo hạn mức kinh phí cho các Đội thi hành án, Trưởng Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp có nhiệm vụ cấp đúng, cấp đủ kinh phí cho Đội thi hành án, không được tự ý giữ lại, điều động hoặc cân đối kinh phí đã được cấp cho các Đội thi hành án khác khi chưa được lãnh đạo Bộ Tư pháp xét duyệt.

3. Trưởng Phòng thi hành án, Đội trưởng Đội thi hành án có nhiệm vụ chi tiêu, hạch toán kế toán kinh phí thi hành án theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

4. Giám đốc Sở Tư pháp có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chi tiêu tài chính của Phòng thi hành án, Đội thi hành án theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sẽ có Thônh tư liên ngành hướng dẫn cụ thể việc quản lý ngân sách và kinh phí thi hành án.

IV. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA CƠ QUAN TƯ PHÁP VÀ CƠ QUAN THI HÀNH ÁN CÙNG CẤP

Mối quan hệ công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án quy định tại các Điều 4, 5, 6, và 13 của Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ được cụ thể hoá như sau:

1. Trưởng Phòng thi hành án có thể do một Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm, nếu có đủ tiêu chuẩn của chấp hành viên trưởng.

2. Trưởng Phòng thi hành án giúp Giám đốc Sở Tư pháp quản lý công tác thi hành án dân sự, đồng thời trực tiếp tổ chức việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự và Thông tư này.

3. Đội trưởng Đội thi hành án có thể do Phó trưởng Phòng Tư pháp kiêm nhiệm, nếu có đủ tiêu chuẩn của chấp hành viên trưởng.

4.Trưởng Phòng Tư pháp quản lý Đội thi hành án về mặt hành chính , tổ chức và kiểm tra hoạt động thi hành án của Đội thi hành án , đồng thời trực tiếp giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

V. VỀ VIỆC BÀN GIAO CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Người được Giám đốc Sở Tư pháp uỷ quyền tiếp nhận bàn giao công tác thi hành án dân sự quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư liên ngành số 01-TT/LN ngày 26 tháng 5 năm 1993 được cụ thể hoá như sau:

1. Ở địa phương, nơi đã thành lập Phòng thi hành án, thì thủ trưởng các cơ quan đó trực tiếp nhận việc bàn giao công tác thi hành án;

2. Ở địa phương, nơi đã có Phòng Tư pháp mà chưa thành lập Đội thi hành án, thì Trưởng Phòng Tư pháp trực tiếp nhận việc bàn giao công tác thi hành án;

3. Ở địa phương, nơi do khó khăn mà chưa thành lập ngay được Phòng Tư pháp, thì Trưởng Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp trực tiếp nhận việc bàn giao công tác thi hành án hoặc Giám đốc Sở Tư pháp cử cán bộ tiếp nhận việc bàn giao;

4. Ở địa phương, nơi chưa có thể bố trí cán bộ chuyên trách làm kế toán, thủ quỹ, khi thi hành án, thì Giám đốc Sở Tư pháp hoặc Trưởng Phòng Tư pháp bố trí cán bộ của cơ quan tư pháp đó kiêm nhiệm, nhưng không được bố trí kế toán thi hành án kiêm thủ quỹ thi hành án;

5. Căn cứ biên bản bàn giao, Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định tiếp nhận chấp hành viên trưởng, chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án chuyển từ Toà án sang Phòng thi hành án và Đội thi hành án.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thì Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo về Bộ Tư pháp để Bộ kịp thời hướng dẫn cụ thể./.

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.