• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/07/2017
  • Ngày hết hiệu lực: 11/10/2020
CHÍNH PHỦ
Số: 67/2017/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 25 tháng 5 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

____________

 

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bsung một số điều của Luật dầu khí ngày 09 tháng 6 năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một sđiều của Luật dầu khí ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 12 tháng 7 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

2. Hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí;

b) Hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh và môi trường trong lĩnh vực dầu khí;

c) Hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin và các quy định khác về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí;

d) Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu;

đ) Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu;

e) Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (sau đây khí dầu mỏ hoá lỏng gọi tắt là LPG);

g) Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh LPG; vi phạm quy định về chai LPG và LPG chai;

h) Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí thiên nhiên hoá lỏng (sau đây khí thiên nhiên hoá lỏng gọi tắt là LNG);

i) Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh LNG;

k) Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí thiên nhiên nén (sau đây khí thiên nhiên nén gọi tắt là CNG);

l) Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh CNG;

m) Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh khí.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Những người có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

4. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm
hành chính.

Điều 3. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu; Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG; LNG; CNG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG; LNG; CNG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG; CNG; LPG vào phương tiện vận tải; Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG; LNG; CNG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai chứa LPG từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến
03 tháng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

c) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tháo dỡ công trình hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc tháo dỡ trạm nạp, trạm cấp LPG, LNG, CNG;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi
vi phạm hành chính;

d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá là xăng dầu, khí;

đ) Buộc kiểm định và đăng ký máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nạp LNG vào phương tiện vận tải theo quy định; buộc kiểm định theo quy định các bồn chứa LNG, CNG thiết bị phụ trợ tại các cơ sở vật chất kinh doanh LNG, CNG;

e) Buộc thu hồi chai LPG;                                   

g) Buộc hoàn trả tiền ký cược cho khách hàng khi khách hàng không còn nhu cầu sử dụng chai LPG.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt

1. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền bằng một nửa đối với tổ chức.

2. Thẩm quyền phạt tiền của những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Điều 5. Áp dụng các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có
liên quan

Các hành vi vi phạm quy định về đo lường, chất lượng; đăng ký kinh doanh; kế hoạch và đầu tư; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường; an toàn, vệ sinh lao động và các hành vi khác có liên quan trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thì áp dụng Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan để xử phạt.

 

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ
BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC DẦU KHÍ

 

Mục 1

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM,
THĂM DÒ VÀ KHAI THÁC DẦU KHÍ

 

Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập chương trình công tác năm tương ứng gửi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo từng giai đoạn phù hợp với cam kết trong hợp đồng dầu khí về thời hạn, nội dung công việc, tài chính.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đưa công trình khai thác ngoài khơi vào vận hành nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi không nộp tài liệu và mẫu vật thu được trong quá trình khoan cho cơ quan có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi kéo dài thời hạn của giai đoạn tìm kiếm, thăm dò khi cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi khoan ra ngoài diện tích hợp đồng dầu khí khi cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi giữ lại diện tích phát hiện khí có khả năng thương mại khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí khi hợp đồng dầu khí chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại khu vực Nhà nước tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 1.800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí mà chưa phát sinh các nguồn lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 Điều này;

b) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều này.

11. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc tháo dỡ công trình hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định đối với hành vi vi phạm tại các khoản 5, 7, 8 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều này.

Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không lập chương trình công tác năm tương ứng gửi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

b) Không lưu giữ sổ sách ghi chép về công tác đo lường thiết bị đo lưu lượng tổng hoặc thiết bị kiểm tra lưu lượng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phân bổ sản lượng khai thác dầu từ cụm giếng của mỏ trên cơ sở chia tỷ lệ của từng giếng không phù hợp với hệ thống phân dòng và quy trình phân bổ đã được thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

b) Không hiệu chuẩn tất cả các thiết bị đo tổng lưu lượng, đo nước, đo khí theo tiêu chuẩn, chế độ định kỳ đã được chấp thuận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

c) Tiến hành các hoạt động sửa chữa giếng hoặc xử lý để tăng dòng sản phẩm khi chưa có sự phê duyệt của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

d) Tiến hành khai thác dầu khí từ hai vỉa trở lên bằng một ống khai thác hoặc một thân giếng chung mà không đo lưu lượng riêng của từng vỉa khi chưa được sự phê duyệt của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

đ) Không đo tổng lưu lượng của các vỉa sản phẩm và xác định lưu lượng khai thác của từng vỉa riêng biệt khi tiến hành khai thác đồng thời nhiều vỉa đã được chấp thuận.

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác dầu khí với sản lượng làm giảm áp suất vỉa xuống thấp hơn mức áp suất đã được phê duyệt mà không được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền theo quy định;

b) Không thực hiện đúng quy định về van an toàn trong lòng giếng;

c) Không hợp nhất mỏ theo quy định;

d) Không tính lại trữ lượng dầu khí theo quy định của pháp luật;

đ) Không thực hiện đúng quy định về đo hoặc khảo sát áp suất vỉa;

e) Không thực hiện đúng quy định về lấy và phân tích mẫu lưu thể;

g) Không thực hiện đúng quy định về ống khai thác và ống chống
khai thác;

h) Không bảo đảm thiết bị đầu giếng và cây thông phù hợp với quy định của pháp luật;

i) Bơm chất lưu vào vỉa theo mạng lưới giếng bơm ép và vỉa khác với mạng lưới giếng bơm ép và vỉa đã được phê duyệt;

k) Không thực hiện đúng quy trình về đốt và xả khí đồng hành;

l) Trong quá trình thử giếng mà khai thác vượt quá khối lượng đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép đốt hoặc hủy;

m) Khai thác khí đồng hành trong trường hợp tỷ suất khí dầu cao hơn giới hạn đã phê duyệt khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về việc bán dầu thô và khí thiên nhiên tại thị trường Việt Nam;

b) Không thực hiện đúng nội dung kế hoạch phát triển mỏ, kế hoạch phát triển sớm dầu khí đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt.

5. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiến hành hoạt động phát triển mỏ và khai thác dầu khí khi kế hoạch phát triển mỏ chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Khai thác dầu khí vượt ra ngoài diện tích hợp đồng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

6. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi tiến hành hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực mà Nhà nước tuyên bố cấm hoặc tạm thời cấm.

7. Phạt tiền từ 1.800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm vùng thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khai thác dầu khí.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm d khoản 2; khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều này;

b) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ công trình hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động kết thúc dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí

1. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chương trình, kế hoạch, dự toán chi phí cho việc tháo dỡ các công trình cố định phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định.

2. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tháo dỡ các công trình cố định phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí khi chương trình, kế hoạch, dự toán chi phí cho việc tháo dỡ các công trình đó chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt;

b) Không tiến hành tháo dỡ các công trình cố định phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí theo chương trình, kế hoạch, dự toán chi phí cho việc tháo dỡ các công trình đó đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không thực hiện đúng quy định về bảo quản và hủy giếng khoan
dầu khí.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc tháo dỡ công trình hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này.

 

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN, AN NINH
VÀ MÔI TRƯỜNG TRONG LĨNH VỰC DẦU KHÍ

 

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh dầu khí

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trồng cây lâu năm trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền;

b) Cản trở việc tiến hành hợp pháp các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí.

2. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thiết lập hành lang an toàn xung quanh các công trình dầu khí theo các quy định của pháp luật hiện hành và quy định của cơ quan có
thẩm quyền;

b) Sử dụng bình chịu áp lực, bình chịu nhiệt được thiết kế và lắp đặt không theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định;

c) Sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng chưa được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không được kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi cơ quan có
thẩm quyền;

d) Sử dụng hệ thống thiết bị xử lý, bình tách, các loại bình áp lực, máy bơm, máy nén khí, đường ống, bộ phận dòng (manifold), đầu giếng và các thiết bị khai thác dầu khí khác khi các thiết bị đó chưa được bảo vệ bằng hệ thống an toàn;

đ) Không lắp đặt van đóng khẩn cấp ở đầu giếng và cây thông hoặc sử dụng van đóng khẩn cấp không đạt tiêu chuẩn theo quy định;

e) Không thực hiện đúng quy định về khoảng cách đặt động cơ diesel trên đất liền;

g) Sử dụng công trình khai thác ngoài khơi nhưng chưa kiểm định trong quá trình vận hành bởi cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

h) Không nối các van xả áp và thiết bị xử lý hydrocacbon lỏng với bình lắng hoặc thùng chứa hoặc thùng bọc cao su có thể tích đủ để chứa được thể tích lỏng lớn nhất có thể thoát ra trước khi hệ thống được đóng an toàn;

i) Không lắp đặt các hệ thống, thiết bị có khả năng cảnh báo, báo động cho tất cả mọi người trên công trình trong tình huống có thể gây nguy hiểm cho con người, cho công trình hoặc có hại cho môi trường tự nhiên theo
quy định.

3. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiến hành xây dựng các công trình, sử dụng lửa trần, các thiết bị phát nhiệt, phát lửa và các hoạt động khác không được phép theo các quy định hiện hành trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền gây nguy hại cho công trình dầu khí đó;

b) Thả neo trái phép các phương tiện tàu, thuyền trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển;

c) Xâm nhập trái phép hoặc tiến hành các hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào trong vùng an toàn dầu khí của các công trình dầu khí trên biển khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

4. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thiết lập hoặc không duy trì hệ thống quản lý công tác an toàn trong quá trình hoạt động từ khâu thiết kế, xây dựng, chạy thử, vận hành, khai thác và hủy bỏ công trình;

b) Không xây dựng đầy đủ các tài liệu quản lý an toàn bao gồm: Chương trình quản lý an toàn, Báo cáo đánh giá rủi ro, Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong hoạt động dầu khí đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ các công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về ứng phó sự cố tràn dầu

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đầy đủ các nội dung trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trước khi tiến hành các hoạt động dầu khí.

3. Các hành vi vi phạm quy định về ứng phó sự cố tràn dầu khác được xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về an toàn đường ống vận chuyển khí trên đất liền

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nổ mìn, khai thác đá trong phạm vi khu vực ảnh hưởng tính từ ranh giới hành lang an toàn đến ranh giới khu vực ảnh hưởng.

2. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về độ dày thành ống;

b) Không thực hiện đúng quy định về độ sâu của đường ống ngầm;

c) Không thực hiện đúng quy định về thiết kế, thi công đường ống mới;

d) Không xây dựng đầy đủ các tài liệu quản lý an toàn bao gồm: Chương trình quản lý an toàn, Báo cáo đánh giá rủi ro, Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp định kỳ hoặc khi có các thay đổi, hoán cải lớn về công nghệ theo quy định;

đ) Không xây dựng các thủ tục, quy trình liên quan đến việc vận hành và bảo dưỡng đường ống;

e) Không tính toán lại áp suất vận hành tối đa định kỳ theo quy định của pháp luật;

g) Không lập kế hoạch bảo dưỡng, tổ chức kiểm tra, sửa chữa hư hỏng;

h) Không tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về vận hành, tai nạn, sự cố, tổn thất cũng như thông tin về khảo sát, sửa chữa, tuần tra, kết quả kiểm định kỹ thuật, các văn bản xử lý vi phạm và các biện pháp khắc phục;

i) Không duy trì các biển báo tuyến ống ở những nơi cần thiết phải lắp đặt các biển chú ý, biển cảnh báo và cọc ranh giới;

k) Không có phương án thiết kế và biện pháp thi công được các cấp thẩm quyền phê duyệt tại khu vực giao cắt qua dải đất tuyến ống hoặc hành lang an toàn tuyến ống.

3. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Mục 3

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, CUNG CẤP THÔNG TIN VÀ CÁC QUY ĐỊNH KHÁC TRONG LĨNH VỰC DẦU KHÍ

 

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về báo cáo và cung cấp thông tin

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

1. Không thông báo kết quả thẩm lượng theo quy định.

2. Không đăng ký giá trị trữ lượng dầu khí được phê duyệt theo
quy định.

3. Không báo cáo về kết quả đo thông số khai thác trong thân giếng theo quy định.

4. Không báo cáo định kỳ về sản lượng khai thác, thành phần, tỷ trọng dầu khí khai thác được của từng mỏ, từng đối tượng khai thác theo quy định.

5. Không gửi những nội dung liên quan đến đồng hồ lưu lượng khí thương mại theo quy định.

6. Không báo cáo các tài liệu liên quan đến quy trình, thiết bị, người thực hiện hoạt động sửa chữa giếng hoặc xử lý để tăng dòng sản phẩm theo
quy định.

7. Không gửi báo cáo trữ lượng dầu khí theo quy định.

8. Không thông báo đầy đủ và kịp thời các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn đường ống vận chuyển khí đối với công trình trong khu vực ảnh hưởng theo quy định.

9. Không thông báo khi đốt hoặc hủy dầu để đối phó với tình trạng khẩn cấp theo quy định.

10. Không gửi một trong các tài liệu sau đây theo quy định:

a) Phương án, kế hoạch hoạt động dầu khí hàng năm và dài hạn;

b) Báo cáo tổng hợp về thực hiện và kết quả hoạt động dầu khí hàng quý, hàng năm;

c) Báo cáo tình hình thực hiện các dự án kinh tế, kỹ thuật về hoạt động dầu khí;

d) Báo cáo sự kiện quan trọng, sự cố liên quan đến hoạt động dầu khí.

Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về cung cấp tài liệu cho hoạt động kiểm tra, thanh tra về dầu khí

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp các tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu gây cản trở cho hoạt động kiểm tra, thanh tra về dầu khí của người thi hành công vụ và của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

 

Chương III

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ
BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU

 

Mục 1

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG DẦU

 

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh
xăng dầu

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được xây dựng đúng quy định hiện hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn của cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

b) Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước xây dựng không đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cửa hàng bán lẻ xăng dầu không thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định;

b) Không có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu không phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Địa điểm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu;

c) Cửa hàng xăng dầu trên mặt nước kinh doanh không đúng địa điểm, vị trí theo quy định;

d) Có kho, bể chứa xăng dầu nhưng tổng dung tích không đạt mức tối thiểu theo quy định;

đ) Có kho, bể chứa xăng dầu nhưng không thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ 05 năm trở lên;

e) Có hệ thống phân phối xăng dầu nhưng không đúng quy định;

g) Có phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ 05 năm trở lên.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có phòng thử nghiệm xăng dầu nhưng không đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Có phòng thử nghiệm xăng dầu nhưng không thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc không có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan nhà nước có phòng thử nghiệm có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu theo quy định.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có cầu cảng nhưng không nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam hoặc có cầu cảng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam nhưng không bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu theo quy định;

b) Có cầu cảng không thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ 05 năm trở lên;

c) Cầu cảng và kho không được xây dựng theo các tiêu chuẩn quy định hoặc không theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của thương nhân.

6. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có kho, bể chứa xăng dầu;

b) Không có hệ thống phân phối xăng dầu;

c) Không có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng;

d) Không có phòng thử nghiệm xăng dầu.

7. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cầu cảng chuyên dụng;

b) Không có kho tiếp nhận xăng dầu;

c) Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay không có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay;

d) Không phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 6 và khoản 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c khoản 6 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm b khoản 2 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm b, điểm c khoản 3 Điều này;

e) Đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở sản xuất xăng dầu không theo đúng quy hoạch đã được
phê duyệt;

b) Có phòng thử nghiệm nhưng không thuộc sở hữu hoặc không đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu sản xuất theo quy định.

2. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phòng thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu.

3. Hình thức xử phạt bổ sung

Đình chỉ hoạt động sản xuất xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH XĂNG DẦU

 

 

Điều 16. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy phép hoặc Giấy xác nhận hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
xăng dầu

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hoặc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trong trường hợp có từ 02 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

4. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

5. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi không có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;

e) Đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

g) Đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2; điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

h) Đình chỉ hoạt động phân phối xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

i) Đình chỉ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này;

k) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy phép hoặc Giấy xác nhận hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b của các
khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b của các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá là xăng dầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này.

Điều 17. Hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá bán và giá bán lẻ xăng dầu

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định;

b) Bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định khoản 3 Điều này.

Điều 18. Hành vi vi phạm quy định về quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giá bán xăng dầu trong nước với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu.

3. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về điều chỉnh giá, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

4. Hình thức xử phạt bổ sung

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 19. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký, mua, bán xăng dầu theo hệ thống phân phối

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối;

c) Không gửi thông tin hệ thống phân phối xăng dầu cho bên giao đại lý, bên nhượng quyền để đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây

a) Tổng đại lý, Đại lý kinh doanh xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, trừ trường hợp bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

b) Thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, trừ trường hợp mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, công ty con được ủy quyền của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu khác, bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

c) Thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho các đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân, trừ trường hợp bán cho thương nhân đầu mối khác, thương nhân phân phối xăng dầu, đơn vị trực tiếp sản xuất, bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Điều 20. Hành vi vi phạm quy định về giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Làm đại lý bán lẻ xăng dầu vượt quá số lượng tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối theo quy định;

b) Là đại lý kinh doanh xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Làm tổng đại lý vượt quá số lượng thương nhân đầu mối theo
quy định;

b) Ký hợp đồng với đại lý kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện theo quy định;

c) Giao đại lý xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định;

d) Ký hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đang làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối khác, đại lý bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với thương nhân phân phối xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng với đại lý bán lẻ xăng dầu không đủ điều kiện theo
quy định;

b) Giao đại lý xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định;

c) Nhận làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định;

d) Ký hợp đồng làm tổng đại lý hoặc đại lý cho thương nhân đầu mối hoặc làm đại lý cho tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác;

đ) Ký hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đang làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối khác, đại lý bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Giao tổng đại lý, đại lý xăng dầu mà không có hợp đồng đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định;

b) Ký hợp đồng tổng đại lý, đại lý với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đang làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối khác, đại lý bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác (chưa thanh lý hợp đồng hiện tại);

c) Ký hợp đồng tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Điều 21. Hành vi vi phạm quy định về ký hợp đồng mua, bán xăng dầu, hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu vượt quá số lượng thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định;

b) Ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc làm tổng đại lý, đại lý cho thương nhân đầu mối.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với thương nhân phân phối xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối hoặc công ty con được ủy quyền của thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác mà không có hợp đồng mua bán xăng dầu theo quy định;

b) Ký hợp đồng với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu không đủ điều kiện theo quy định;

c) Ký hợp đồng với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu khi thương nhân này đang là hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác (chưa thanh lý hợp đồng hiện tại).

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu không đủ điều kiện theo quy định;

b) Ký hợp đồng với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu khi thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu đang nhận quyền bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác;

c) Bán xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu không đủ điều kiện theo quy định hoặc không có Hợp đồng mua bán xăng dầu.

Điều 22. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu của Công ty con của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
xăng dầu

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với Công ty con của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện một trong các công việc sau đây mà không được thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu ủy quyền:

a) Bán buôn cho đơn vị sản xuất, tiêu dùng trực tiếp;

b) Ký hợp đồng bán xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu;

c) Ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu;

d) Ký hợp đồng giao đại lý.

2. Hình thức xử phạt bổ sung

Đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 23. Hành vi vi phạm quy định về chuyển tải, sang mạn
xăng dầu

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định hoặc chuyển tải, sang mạn xăng dầu từ tàu lớn hoặc phương tiện vận tải khác mà cảng Việt Nam không có khả năng tiếp nhận trực tiếp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền quy định.

Điều 24. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thuê kho, phương tiện vận tải xăng dầu nội địa của thương nhân khác mà không phải là thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng cho thuê kho với tổng dung tích vượt quá tổng dung tích thực tế của kho;

b) Không trang bị các thiết bị để kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xăng dầu hoặc có trang bị thiết bị để kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không hoạt động, không phát huy tác dụng.

Điều 25. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển xăng dầu nhưng nắp bồn xe chứa xăng dầu không có niêm phong kẹp chì theo quy định, không đúng kẹp chì, không đúng niêm phong như biên bản giao nhận xăng dầu ban đầu.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi dùng phương tiện vận tải để vận chuyển xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành theo quy định của pháp luật về vận chuyển xăng dầu hoặc kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu.

Điều 26. Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu sản xuất xăng dầu

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thương nhân sản xuất xăng dầu xuất khẩu xăng dầu không phải do mình sản xuất, gia công xuất khẩu;

b) Gia công xuất khẩu xăng dầu khi không phải là thương nhân sản xuất xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu sản xuất xăng dầu khi không có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo quy định hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.

3. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao hàng năm;

b) Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xăng dầu không theo đúng kế hoạch đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là xăng dầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về dự trữ xăng dầu, nguyên liệu sản xuất xăng dầu

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi duy trì mức dự trữ nguyên liệu sản xuất xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi duy trì mức dự trữ lưu thông xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

Điều 28. Hành vi vi phạm quy định về biển hiệu

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân đầu mối trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.

4. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng tên thương mại, biểu tượng (logo), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại bị xử phạt theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Điều 29. Hành vi vi phạm về việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý năng lực phòng thử nghiệm, thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống quản lý năng lực phòng thử nghiệm theo quy định hoặc không có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan nhà nước có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 30. Hành vi vi phạm quy định về bán xăng dầu

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng;

b) Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động (nhưng không phải cột bơm mini) mà không có được cấp có thẩm quyền cấp
Giấy phép.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

b) Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

c) Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

6. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, vận chuyển, tồn trữ, kinh doanh xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối, thương nhân kinh doanh dịch vụ vận tải xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu (trừ trường hợp mua để sử dụng phục vụ
sản xuất).

7. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này.

Điều 31. Hành vi vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán, trao đổi xăng dầu qua biên giới

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, buôn bán, trao đổi xăng dầu qua biên giới không đúng quy định nếu trị giá xăng dầu đến 10.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ 100.000.000 đồng trở lên nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu xăng dầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 32. Hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hành vi kinh doanh xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị xử phạt theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Điều 33. Hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây nếu trị giá xăng dầu đến 10.000.000 đồng:

a) Vận chuyển xăng dầu vào khu vực biên giới không đúng quy định;

b) Buôn bán, trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nêu trị giá xăng dầu từ trên 50.000.000 đồng đến 70.00.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này nếu trị giá xăng dầu từ 100.000.000 đồng trở lên và chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về thời gian bán xăng dầu tại khu vực biên giới;

b) Không thực hiện các quy định về phương thức, định mức bán lẻ xăng dầu cho phương tiện vãng lai nước ngoài theo quy định.

8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng, đầy đủ quy định về cung ứng xăng dầu khi cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới.

9. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu xăng dầu đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Điều 34. Hành vi vi phạm quy định về pha chế xăng dầu

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế theo quy định.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối;

b) Thực hiện pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu nội địa của thương nhân đầu mối;

c) Thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để
trục lợi;

d) Không có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

3. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

 

Chương IV

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG KINH DOANH KHÍ

 

Mục 1

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH LPG

 

Điều 35. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cửa hàng bán LPG chai có hành vi kinh doanh LPG chai nhưng không thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG
đầu mối.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cửa hàng bán LPG chai có hành vi kinh doanh không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hệ thống phân phối LPG không có cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc khách hàng công nghiệp;

b) Không có hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý kinh doanh LPG theo quy định;

c) Cửa hàng chuyên kinh doanh LPG chai có hành vi kinh doanh LPG chai tại địa điểm không phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Có kho chứa chai LPG và LPG chai nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu quy định;

đ) Có kho chứa chai LPG và LPG chai nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân kinh doanh khí theo quy định;

e) Hệ thống phân phối LPG không đủ số lượng đại lý tối thiểu hoặc có đại lý không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định;

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có các bồn chứa LPG nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu quy định;

b) Có các bồn chứa LPG nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân kinh doanh khí theo quy định;

c) Không đủ số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân;

d) Chai LPG không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;

đ) Có trạm nạp LPG vào chai nhưng không đúng quy định;

e) Không có kho chứa chai LPG hoặc LPG chai;

g) Không có hệ thống phân phối LPG.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có cầu cảng nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu 05 năm theo quy định;

b) Có kho tiếp nhận LPG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác nhưng tổng dung tích các bồn chứa không đạt mức tối thiểu theo quy định;

c) Không có đủ số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân;

d) Cơ sở sản xuất, chế biến LPG không theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Có phòng thử nghiệm nhưng không đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng LPG theo quy định;

e) Có phòng thử nghiệm chất lượng nhưng không thuộc sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm theo quy định;

g) Không có hoặc không có đủ số lượng tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG tối thiểu theo quy định;

h) Thương nhân phân phối LPG kinh doanh qua đường ống không có trạm cấp LPG hoặc có trạm cấp LPG nhưng không đủ điều kiện theo
quy định.

6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam;

b) Không có kho tiếp nhận LPG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác;

c) Không có phòng thử nghiệm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng LPG;

d) Không có chai LPG;

đ) Không có các bồn chứa LPG;

e) Không có trạm nạp LPG vào chai.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3; điểm e, điểm g khoản 4 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3; các điểm d, đ, e khoản 6 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3; các điểm a, b, d, e khoản 6 Điều này;

e) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc thu hồi chai LPG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều này.

Điều 36. Hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG đã bị tước, bị thu hồi trừ trường hợp thương nhân chỉ có 01 cửa hàng bán LPG hoặc 01 trạm cấp LPG hoặc 01 trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LPG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG.

5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu LPG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm c khoản 5 Điều này;

e) Đình chỉ hoạt động của cửa hàng bán LPG chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

g) Đình chỉ hoạt động kinh doanh LPG chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2; điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

h) Đình chỉ hoạt động phân phối LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

i) Đình chỉ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này;

k) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b của các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b của các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá là LPG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều này.

Điều 37. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện trạm nạp LPG
vào chai

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trạm nạp LPG vào chai không thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm nạp LPG vào chai không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai;

b) Trạm nạp LPG vào chai chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng;

c) Không có đầy đủ các quy trình nạp LPG vào chai, xe bồn, vận hành máy, thiết bị trong trạm, xử lý sự cố và các quy định về an toàn.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với trạm nạp, thiết bị nạp, hệ thống ống dẫn, bồn chứa và thiết bị phụ trợ không tuân thủ các quy định về an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

4. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai;

d) Tiếp tục hoạt động nạp LPG vào chai khi đã bị buộc đình chỉ hoạt động của trạm nạp LPG vào chai.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4
Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của trạm nạp LPG vào chai từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp (PG vào chai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm nạp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 38. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải không thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG
đầu mối;

b) Liên doanh, liên kết góp vốn xây dựng trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải với cửa hàng bán xăng dầu không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải;

b) Trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng;

c) Trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải không có đầy đủ quy trình vận hành và quy định về an toàn.

3. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải;

d) Tiếp tục hoạt động nạp LPG vào phương tiện vận tải khi đã bị buộc đình chỉ hoạt động của trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm nạp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 39. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện trạm cấp LPG

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trạm cấp LPG không thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm cấp LPG không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG;

b) Trạm cấp LPG không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng.

3. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG;

d) Tiếp tục hoạt động cấp LPG khi đã bị buộc đình chỉ hoạt động của trạm cấp LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của trạm cấp LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này.

Điều 40. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện chai LPG lưu thông trên thị trường

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Màu sơn chai LPG chưa được đăng ký tại cơ quan chức năng có
thẩm quyền;

b) Không có đủ hồ sơ lưu trữ về chai LPG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không thu hồi hoặc không thu hồi toàn bộ số chai LPG thuộc sở hữu của mình để bán hoặc nhượng lại cho thương nhân khác kèm theo đầy đủ hồ sơ theo quy định khi ngừng hoạt động kinh doanh hoặc cơ sở kinh doanh LPG sáp nhập, chuyển đổi ngành nghề không kinh doanh LPG.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép sau đây:

a) Thay chân đế, cắt quai xách;

b) Mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri;

c) Hàn gắn thêm kim loại;

d) Tráo đổi van đầu chai;

đ) Các hành vi trái phép khác làm thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu chai LPG không đảm bảo điều kiện lưu thông đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc thu hồi chai LPG theo quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này.

 

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH LPG

 

Điều 41. Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, chế biến LPG

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức phân phối bán lẻ LPG và LPG chai nhưng hệ thống phân phối bán lẻ LPG và LPG chai không đủ điều kiện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thiết lập hệ thống phân phối theo quy định khi tiến hành bán LPG cho khách hàng công nghiệp và LPG chai trên thị trường.

Điều 42. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh LPG

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng LPG chai mini không được phép nạp lại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ
ăn uống.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc niêm yết giá theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không mở sổ theo dõi các loại LPG đã bán cho khách hàng;

b) Không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối mà thương nhân chủ sở hữu cửa hàng ký hợp đồng đại lý hoặc có treo biển hiệu nhưng không ghi đầy đủ, rõ ràng theo quy định của pháp luật;

c) Kinh doanh chai LPG mini, LPG chai mini không được phép nạp lại.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo cho khách hàng khi điều chỉnh giá bán LPG;

b) Bán LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác mà không có hợp đồng;

c) Bán LPG chai của thương nhân kinh doanh khác ngoài hợp đồng
đã ký;

d) Ký hợp đồng làm đại lý vượt quá số lượng thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý theo quy định;

đ) Ký hợp đồng làm tổng đại lý vượt quá số lượng thương nhân kinh doanh LPG đầu mối theo quy định;

e) Ký hợp đồng với đại lý kinh doanh LPG khi đại lý này đang ký hợp đồng làm đại lý cho 01 tổng đại lý hoặc 03 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác.

g) Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

h) Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối;

i) Không hoàn trả cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, tổng đại lý toàn bộ số chai LPG đã ký cược và hồ sơ chai LPG khi thanh lý hợp đồng
đại lý;

k) Không hoàn trả tiền ký cược khi khách hàng không còn nhu cầu sử dụng chai LPG và hoàn trả lại chai LPG cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối;

l) Bán chai LPG mini nạp lại;

m) Mua bán, vận chuyển, tồn trữ chai LPG và LPG chai khi không phải là thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, dịch vụ vận chuyển khí, tổng đại lý, đại lý, thương nhân sở hữu cửa hàng bán LPG chai, thương nhân sở hữu trạm nạp LPG vào chai (trừ trường hợp mua để sử dụng phục vụ sản xuất).

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân kinh doanh LPG đầu mối quy định;

b) Mua, bán LPG và LPG chai trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ;

c) Mua, bán các loại LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký;

d) Không báo cáo nhãn hiệu hàng hoá theo quy định;

đ) Không quy định thống nhất giá bán LPG trong hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản lý hoặc quy định giá không phù hợp với thị trường;

e) Không công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ trong hệ thống phân phối thương nhân quản lý;

g) Không công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản lý;

h) Ký hợp đồng với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý hoặc tổng đại lý kinh doanh LPG.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không quy định thống nhất giá bán LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản lý;

b) Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu trừ trường hợp thuê nạp.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán buôn LPG cho thương nhân kinh doanh LPG khác không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh LPG theo quy định;

b) Cho thuê kho chứa LPG, giao nhận LPG, phương tiện vận chuyển LPG với thương nhân kinh doanh LPG không đáp ứng đủ điều kiện theo
quy định;

c) Không cung cấp đủ nguồn LPG bán ra trong hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản lý, không bảo đảm mức dự trữ lưu thông 15 ngày theo
quy định.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

Mua hoặc bán LPG với thương nhân kinh doanh LPG có trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG, trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định.

9. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

b) Tịch thu chai LPG, LPG chai và LPG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc hoàn trả tiền ký cược cho khách hàng khi khách hàng không còn nhu cầu sử dụng chai LPG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm k khoản 4 Điều này.

 

Mục 3

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NẠP, CẤP LPG

 

Điều 43. Hành vi vi phạm quy định về nạp LPG vào chai

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng trạm nạp di động;

b) Nạp LPG vào chai LPG mini không được phép nạp lại.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nạp LPG vào chai LPG được phép nạp lại nhưng chưa được kiểm định hoặc quá thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn;

b) Nạp LPG từ xe bồn vào chai LPG hoặc phương tiện, thiết bị khác;

c) Nạp LPG vào chai LPG không đủ điều kiện chai LPG lưu thông theo quy định và không loại ra khỏi trạm nạp chai LPG (kể cả chai LPG không thuộc sở hữu) không đủ điều kiện chai LPG lưu thông lưu thông trên
thị trường;

d) Nạp thuê vào chai LPG cho thương nhân kinh doanh LPG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chứa chai LPG của thương nhân khác không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp;

b) Nạp LPG vào chai LPG không thuộc sở hữu của chính thương nhân chủ sở hữu trạm nạp, trừ trường hợp có hợp đồng thuê nạp;

c) Các hành vi sang, chiết, nạp LPG trái phép khác.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu chai LPG và LPG chai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 44. Hành vi vi phạm quy định về nạp LPG vào phương tiện
vận tải

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra an toàn, độ kín van khóa, van an toàn, thiết bị phụ trợ dùng LPG, các đầu nối tiếp xúc, đường ống dẫn LPG đến khách hàng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua LPG không có nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường hoặc LPG nhập lậu để bán cho khách hàng;

b) Nạp LPG vào phương tiện vận tải không sử dụng nhiên liệu LPG;

c) Nạp LPG vào chai LPG tại trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu LPG, chai LPG, LPG chai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 45. Hành vi vi phạm quy định về cấp LPG

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán LPG cho khách hàng không tuân thủ quy định về an toàn sử dụng LPG, phòng chống cháy, nổ hoặc tự ý thay thế, lắp đặt thêm thiết bị phụ trợ dùng LPG;

b) Không kiểm tra an toàn, độ kín van khóa, van an toàn, thiết bị phụ trợ dùng LPG, các đầu nối tiếp xúc, đường ống dẫn LPG đến khách hàng theo quy định;

c) Bán cho khách hàng không có hợp đồng mua LPG hoặc có hợp đồng mua nhưng không đáp ứng các quy định về an toàn sử dụng LPG, phòng cháy và chữa cháy.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán LPG cho phương tiện vận tải chuyên dụng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Nạp LPG vào chai LPG tại trạm cấp LPG.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu LPG, LPG chai, chai LPG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

 

Mục 4

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT,
SỬA CHỮA, KIỂM ĐỊNH CHAI LPG

 

Điều 46. Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, sửa chữa chai
chứa LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhân viên kỹ thuật vận hành các thiết bị kiểm tra không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định;

b) Thợ hàn chai chứa LPG không có chứng chỉ hàn thiết bị áp lực theo quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có các trang thiết bị kiểm tra đáp ứng yêu cầu kiểm tra an toàn và chất lượng chai chứa LPG sau chế tạo theo quy định;

b) Không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn, quy trình chế tạo chai chứa LPG và các quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm sau chế tạo đã được lãnh đạo cơ sở phê duyệt.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa chai LPG cho thương nhân không phải là chủ sở hữu chai LPG;

b) Sản xuất, sửa chữa chai LPG cho chủ sở hữu chai LPG mà không có hợp đồng;

c) Sản xuất, sửa chữa chai LPG không đúng nơi quy định hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG;

d) Sản xuất, sửa chữa chai LPG mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, sửa chữa chai LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Điều 47. Hành vi vi phạm quy định của trạm kiểm định chai LPG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhân viên trực tiếp thực hiện kiểm định chai không được huấn luyện và cấp chứng chỉ về chuyên môn và an toàn trong công tác kiểm định chai;

b) Nhân viên trực tiếp thực hiện kiểm định chai có kinh nghiệm làm việc thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có đầy đủ các quy định an toàn, quy trình kiểm định chai chứa LPG được lãnh đạo phê duyệt theo quy định;

b) Không có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác kiểm định, cụ thể gồm: Thiết bị thu hồi LPG còn lại trong chai; thiết bị đo chiều dày kim loại, thiết bị siêu âm mối hàn; thiết bị tháo lắp van chai; thiết bị thử bền, thử kín; thiết bị loại bỏ nước; thiết bị kiểm tra bên trong; thiết bị làm sạch bề mặt; cân khối lượng; thiết bị đóng dấu; thiết bị hút chân không. Tất cả các thiết bị trên phải có các thông số kỹ thuật và công suất phù hợp với công suất kiểm định của trạm;

c) Thiết bị phục vụ kiểm định chai chứa LPG không được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kiểm định chai LPG mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai chứa LPG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chai chứa LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

b) Đình chỉ hoạt động của trạm kiểm định chai LPG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

 

Mục 5

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH LNG

 

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh LNG

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có các bồn chứa LNG nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu quy định;

b) Có các bồn chứa LNG nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân kinh doanh khí theo quy định.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu 05 năm theo
quy định;

b) Có kho tiếp nhận LNG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác nhưng tổng dung tích các bồn chứa không đạt mức tối thiểu theo quy định;

c) Có xe bồn LNG hoặc đường ống vận chuyển LNG nhưng không sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê xe bồn LNG hoặc đường ống vận chuyển LNG tối thiểu 01 năm;

d) Có trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện;

đ) Cơ sở sản xuất, chế biến LNG không theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e) Có phòng thử nghiệm chất lượng nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức có đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng khí.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam;

b) Không có kho tiếp nhận LNG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác;

c) Không có xe bồn LNG hoặc đường ống vận chuyển LNG;

d) Không có bồn chứa LNG;

đ) Không có trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải;

e) Không có phòng thử nghiệm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng LNG;

g) Không có hệ thống bơm, nạp LNG để vận chuyển đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc không có hệ thống phục vụ hoạt động hóa khí đáp ứng đủ điều kiện để cung cấp cho khách hàng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, đ khoản 3 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động của trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

d) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm e, điểm g khoản 3 Điều này.

Điều 49. Hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LNG

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh LNG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG.

2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu LNG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động phân phối LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đình chỉ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

đ) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá là LNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 50. Hành vi vi phạm về điều kiện trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải không thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LNG đầu mối;

b) Không có đầy đủ các quy trình: Nạp LNG vào phương tiện vận tải, xe bồn, vận hành máy, thiết bị trong trạm, xử lý sự cố và các quy định về
an toàn;

c) Liên doanh, liên kết góp vốn xây dựng trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải với cửa hàng bán xăng dầu không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải;

b) Trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi trạm nạp, thiết bị nạp, hệ thống ống dẫn, bồn chứa và thiết bị phụ trợ không đáp ứng các quy định về an toàn tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.

4. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào phương tiện vận tải đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động nạp LNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 51. Hành vi vi phạm về điều kiện trạm cấp LNG

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trạm cấp LNG không thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LNG đầu mối.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm cấp LNG không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG;

b) Trạm cấp LNG không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng.

3. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động cấp LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm cấp LNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này.

 

Mục 6

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH LNG

 

Điều 52. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh LNG

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc niêm yết giá theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LNG đầu mối hoặc có treo nhưng biển hiệu không ghi đầy đủ rõ ràng theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi điều chỉnh giá bán các loại khí nơi có hệ thống phân phối của thương nhân đang hoạt động;

b) Không thông báo cho khách hàng khi điều chỉnh giá bán LNG.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không quy định thống nhất giá bán LNG trong hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản lý hoặc quy định giá không phù hợp với thị trường.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh LNG đầu mối khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Bán LNG không theo hợp đồng cho thương nhân kinh doanh LNG khác hoặc khách hàng công nghiệp;

c) Không bảo đảm duy trì mức dự trữ lưu thông LNG tối thiểu cho hệ thống phân phối thuộc mình quản lý theo quy định.

6. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê kho chứa LNG, cảng xuất nhập, giao nhận LNG, phương tiện vận chuyển LNG với thương nhân kinh doanh LNG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Điều 53. Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, chế biến LNG

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê kho chứa LNG, cảng xuất nhập, giao nhận LNG, phương tiện vận chuyển LNG với thương nhân kinh doanh LNG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối hành vi không có phương án kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ để phát hiện và kịp thời khắc phục các dấu hiệu không bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến LNG.

 

Mục 7

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NẠP, CẤP LNG

 

Điều 54. Hành vi vi phạm quy định về nạp LNG vào phương tiện vận tải

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra an toàn, thiết bị nạp LNG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua LNG không có nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường hoặc LNG nhập lậu để bán cho khách hàng;

b) Bán LNG cho phương tiện chuyên dụng không đáp ứng đủ điều kiện nhận LNG theo quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu LNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định khoản 2 Điều này.

Điều 55. Hành vi vi phạm quy định về cấp LNG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp cho khách hàng bản hướng dẫn an toàn sử dụng LNG, trong đó có ghi số điện thoại của trạm cấp LNG, nhân viên trực tiếp quản lý trạm cấp LNG để liên hệ khi cần thiết.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không kiểm tra an toàn, độ kín van khóa, van an toàn, thiết bị phụ trợ dùng LNG, các đầu nối tiếp xúc, đường ống dẫn LNG đến khách hàng theo quy định;

b) Bán cho khách hàng không có hợp đồng mua LNG.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán LNG cho khách hàng không tuân thủ quy định về an toàn sử dụng LNG, phòng chống cháy, nổ hoặc tự ý thay thế, lắp đặt thêm thiết bị phụ trợ dùng LNG;

b) Nạp LNG cho khách hàng hoặc thương nhân kinh doanh LNG khác tại trạm cấp.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu LNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp LNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

 

Mục 8

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CNG

 

Điều 56. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh CNG

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có bồn chứa CNG nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu
quy định;

b) Có các bồn chứa CNG nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân kinh doanh khí theo quy định;

c) Có bồn chứa CNG nhưng không được xây dựng theo quy hoạch hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành;

d) Có xe bồn CNG hoặc đường ống vận chuyển CNG nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân kinh doanh khí theo quy định;

đ) Có trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có bồn chứa CNG;

b) Không có xe bồn CNG hoặc đường ống vận chuyển CNG;

c) Không có trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải;

d) Có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu 05 năm theo
quy định;

đ) Có kho tiếp nhận CNG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác nhưng tổng dung tích các bồn chứa không đạt mức tối thiểu theo quy định;

e) Cơ sở sản xuất, chế biến CNG không theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

g) Có phòng thử nghiệm chất lượng nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức khác có đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng khí;

h) Có trạm nén khí CNG nhưng công suất không đạt mức tối thiểu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam;

b) Không có kho tiếp nhận CNG nhập khẩu từ tàu hoặc từ phương tiện vận chuyển khác;

c) Không có phòng thử nghiệm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng CNG;

d) Không có trạm nén khí CNG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động của trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;

d) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 và điểm c, điểm d khoản 3 Điều này.

Điều 57. Hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh CNG

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh CNG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG.

2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu CNG khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu CNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu CNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu CNG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu CNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu CNG.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động phân phối CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đình chỉ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

đ) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh CNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá là CNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 58. Hành vi vi phạm về điều kiện trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải không thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh CNG đầu mối;

b) Không có đầy đủ các quy trình: Nạp CNG vào phương tiện vận tải, xe bồn, vận hành máy, thiết bị trong trạm, xử lý sự cố và các quy định về
an toàn;

c) Liên doanh, liên kết góp vốn xây dựng trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải với cửa hàng bán xăng dầu không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải;

b) Dự án, thiết kế trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi trạm nạp, thiết bị nạp, hệ thống ống dẫn, bồn chứa và thiết bị phụ trợ không đáp ứng các quy định về an toàn tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.

4. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động nạp LNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 59. Hành vi vi phạm về điều kiện trạm cấp CNG

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trạm cấp CNG không thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh CNG đầu mối.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Địa điểm trạm cấp CNG không phù hợp với quy hoạch hoặc không đúng với địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG;

b) Trạm cấp CNG không được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng.

3. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG đã hết thời hạn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG đã bị tước, bị thu hồi;

b) Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo;

c) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động cấp CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính là Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ trạm cấp CNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này.

 

Mục 9

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH CNG

 

Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh CNG

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc niêm yết giá theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh CNG đầu mối hoặc có treo nhưng biển hiệu không ghi đầy đủ rõ ràng theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo cho khách hàng khi Điều chỉnh giá bán CNG.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh CNG đầu mối khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Bán CNG không theo hợp đồng cho thương nhân kinh doanh CNG khác hoặc khách hàng công nghiệp.

5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện kiểm định theo quy định các bồn chứa CNG, thiết bị phụ trợ tại các cơ sở vật chất kinh doanh CNG thuộc sở hữu thương nhân;

b) Cho thuê kho chứa CNG, cảng xuất nhập, giao nhận CNG, phương tiện vận chuyển CNG với thương nhân kinh doanh CNG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc thực hiện kiểm định theo quy định các bồn chứa CNG, thiết bị phụ trợ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này. 

Điều 61. Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, chế biến CNG

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê kho chứa CNG, cảng xuất nhập, giao nhận CNG, phương tiện vận chuyển CNG với thương nhân kinh doanh CNG khác không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi  không có phương án kiểm tra an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ để phát hiện và kịp thời khắc phục các dấu hiệu không bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến CNG.

 

Mục 10

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NẠP, CẤP CNG

 

Điều 62. Hành vi vi phạm quy định về nạp CNG vào phương tiện vận tải

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra an toàn, thiết bị nạp CNG theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua CNG không có nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường hoặc CNG nhập lậu để bán cho khách hàng;

b) Bán CNG cho phương tiện chuyên dụng không đáp ứng đủ điều kiện nhận CNG theo quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu CNG đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp CNG vào phương tiện vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định khoản 2 Điều này.

Điều 63. Hành vi vi phạm quy định về cấp CNG

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp cho khách hàng bản hướng dẫn an toàn sử dụng CNG, trong đó có ghi số điện thoại của trạm cấp CNG, nhân viên trực tiếp quản lý trạm cấp CNG để liên hệ khi cần thiết.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không kiểm tra an toàn, độ kín van khóa, van an toàn, thiết bị phụ trợ dùng CNG, các đầu nối tiếp xúc, đường ống dẫn CNG đến khách hàng theo quy định;

b) Bán cho khách hàng không có hợp đồng mua CNG.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi nạp CNG cho khách hàng hoặc thương nhân kinh doanh CNG khác tại trạm.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu CNG đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp CNG từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

 

Mục 11

HÀNH VI VI PHẠM KHÁC VỀ KINH DOANH KHÍ

 

Điều 64. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện pha chế khí

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi pha chế khí khi không phải là thương nhân kinh doanh khí đầu mối. Trừ trường hợp pha chế khí trong kho ngoại quan khí.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Pha chế khí không đúng địa điểm quy định;

b) Có phòng thử nghiệm nhưng không đủ năng lực để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng khí theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng;

c) Có phòng thử nghiệm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng khí nhưng không thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu 01 năm của thương nhân, tổ chức khác;

d) Không thực hiện đăng ký cơ sở pha chế theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có phòng thử nghiệm khí.

Điều 65. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện cho thuê kho, cảng xuất, nhập khí

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Có cầu cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn;

b) Có cầu cảng nhưng xây dựng không đúng quy hoạch hoặc không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để tiếp nhận tầu chở khí hoặc phương tiện vận chuyển khác;

c) Có kho khí nhưng xây dựng không đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;

d) Có kho khí nhưng tổng sức chứa thấp hơn mức tối thiểu theo
quy định;

đ) Có kho khí nhưng không thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có cầu cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam;

b) Không có kho khí.

Điều 66. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện vận chuyển khí

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có đủ hồ sơ và giấy tờ cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 19/2016/NĐ-CP gồm: Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị đo kiểm và an toàn, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, còn hiệu lực thi hành;

b) Phương tiện vận chuyển khí không thuộc sở hữu, đồng sở hữu hoặc thời hạn thuê phương tiện vận chuyển khí không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có phương tiện vận chuyển khí.

Điều 67. Hành vi vi phạm quy định cho thuê kho, cảng xuất,
nhập khí

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng cho thuê kho, cảng xuất nhập, giao nhận khí với thương nhân kinh doanh khí đầu mối hoặc thương nhân là Tổng đại lý kinh doanh LPG không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định;

b) Ký hợp đồng cho thuê kho, cảng xuất nhập, giao nhận khí không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng cho thuê kho chứa khí nhập lậu, khí không có nguồn gốc xuất xứ.

Điều 68. Hành vi vi phạm quy định về vận chuyển khí

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển khí mà không có hợp đồng với thương nhân kinh doanh khí hoặc có hợp đồng vận chuyển nhưng thương nhân kinh doanh khí thuê vận chuyển không đáp ứng đủ điều kiện quy định;

b) Thuê phương tiện vận chuyển khí không bảo đảm đủ điều kiện quy định hiện hành hoặc chưa được phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển, mua, bán khí nhập lậu, khí không có nguồn gốc xuất xứ, khí kém chất lượng;

b) Vận chuyển LPG chai không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;

c) Mua, bán các loại chai LPG và LPG chai của thương nhân kinh doanh LPG khác đang lưu thông trên thị trường.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu khí đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2
Điều này;

b) Tịch thu LPG chai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 69. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất khí, xuất khẩu khí, chuyển khẩu khí, quá cảnh khí

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện chuyển khẩu khí, quá cảnh khí không đúng theo quy định của pháp luật về chuyển khẩu hàng hoá, quá cảnh hàng hoá hiện hành.

2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất, xuất khẩu khí, chuyển khẩu khí, quá cảnh khí khi không phải là thương nhân đầu mối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá là khí đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 70. Hành vi vi phạm quy định về biển hiệu

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh khí đầu mối có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên giao dịch, biểu tượng của thương nhân đầu mối trong hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản lý.

2. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng tên thương mại, biểu tượng (logo), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại bị xử phạt theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Điều 71. Hành vi vi phạm quy định về giá bán lẻ khí

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo giá bán lẻ tới Sở Tài chính và Sở Công Thương nơi có các cơ sở kinh doanh LPG hoạt động theo quy định pháp luật về giá.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối kinh doanh khí có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giá bán khí với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá;

b) Không thực hiện việc kê khai giá LPG khi nhà nước không áp dụng bình ổn giá theo quy định tại Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan.

Chương V

THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH
VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

Điều 72. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại khoản 1
 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 73. Thẩm quyền của Quản lý thị trường

1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu
và khí.

2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3
Điều 3 Nghị định này.

3. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Trưởng phòng Chống buôn lậu, Trưởng phòng Chống hàng giả, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 74. Thẩm quyền của Công an nhân dân

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền phạt tiền đến 3.000.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã, trưởng đồn Công an, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

a) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định điểm a khoản này;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng  Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 75. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng

1. Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

3. Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ
và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 76. Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển

1. Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 3.000.000 đồng.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

b) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ và k khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

7. Tư lệnh Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và k khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 77. Thẩm quyền xử phạt của Hải quan

1. Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

2. Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan, Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Đội trưởng Đội thủ tục Hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, g, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, g, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, g, i và k khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 78. Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra viên có quyền:

a) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn trong kinh doanh xăng dầu và khí quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ Công Thương có quyền:

a) Phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

4. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền:

a) Phạt tiền đến 1.400.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 140.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn quy định tại Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm a khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Điều 79. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt xử phạt vi phạm hành chính, người đang thi hàng công vụ quy định từ Điều 72 đến Điều 78 của Nghị định này.

2. Công chức viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn được giao thuộc lĩnh vực quy định tại Nghị định này.

3. Công chức thuộc cơ quan thanh tra Công thương được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành độc lập hoặc theo đoàn
thanh tra.

4. Công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước khác được giao nhiệm vụ kiểm tra trong các lĩnh vực về dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

5. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

Điều 80. Phân định thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành Công Thương

1. Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương III và Chương IV Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 73 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 74 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16, Điều 23, Điều 26, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 40, Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 68, Điều 69 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 75 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 6; Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 16; Điều 23; Điều 24; Điều 30; Điều 31; Điều 32; Điều 33; khoản 5 Điều 36; khoản 2 Điều 49; khoản 2 Điều 57; Điều 65; Điều 66; Điều 67; Điều 68; Điều 69 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 76 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

5. Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 14; Điều 16; Điều 23; Điều 25; Điều 26; Điều 27; Điều 30; Điều 31; Điều 32; Điều 33; khoản 5 Điều 36; khoản 2
Điều 49; Điều 52; khoản 2 Điều 57; Điều 60; Điều 65; Điều 66; Điều 67; Điều 68; Điều 69 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 77 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

6. Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Thanh tra chuyên ngành Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 78 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 81. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 7 năm 2017.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Điều 82. Quy định chuyển tiếp

1. Các hành vi vi phạm đã lập biên bản vi phạm hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính để xử phạt.

2. Các hành vi vi phạm được lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng Nghị định này để xử phạt.

Điều 83. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.