• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/02/2013
BỘ CÔNG NGHIỆP
Số: 02/2004/TT-BCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 31 tháng 12 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ

quy định "Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ"

 

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

 

Căn cứ Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ;

Bộ Công nghiệp hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ bao gồm: bổ sung Danh mục hàng nguy hiểm là vật liệu nổ công nghiệp; quy định quy cách đóng gói, tiêu chuẩn bao bì chứa đựng, thùng chứa; dán biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm đối với hàng hóa là vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm; điều kiện hiểu biết của người lao động và điều kiện kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển khi tham gia vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào quá trình vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm dùng cho sản xuất công nghiệp bằng đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Các hóa chất đặc biệt phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;

b) Các loại nhiên liệu, chất đốt dạng lỏng có nguồn gốc dầu mỏ;

c) Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất diệt côn trùng;

d) Các chất phóng xạ.

2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Hóa chất công nghiệp nguy hiểm là các hóa chất nguy hiểm sử dụng trong công nghiệp được quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.

b) Bên gửi hàng là tổ chức, cá nhân có yêu cầu vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

c) Đơn vị vận chuyển là tổ chức, cá nhân nhận thực hiện việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

d) Người vận chuyển bao gồm lái xe và người áp tải trực tiếp thực hiện việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

đ) Biểu trưng hàng nguy hiểm là các biểu tượng thích hợp với từng loại hàng nguy hiểm gắn trên bao bì, thùng chứa, trên phương tiện vận chuyển trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm.

e) Báo hiệu hàng nguy hiểm là dấu hiệu được in, hoặc gắn lên công-ten-nơ và phương tiện vận chuyển có ghi rõ mã số Liên hợp quốc (mã số UN) của hàng hóa nguy hiểm.

g) Đóng gói vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất nguy hiểm là các biện pháp kỹ thuật thực hiện để chứa đựng vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất nguy hiểm bằng bao gói thích hợp theo các tiêu chuẩn kỹ thuật mà bên gửi hàng hoặc vận chuyển phải tuân thủ.

h) Tài liệu an toàn hóa chất là tài liệu do nhà cung cấp hoặc nhập khẩu thiết lập, được in bằng tiếng Việt có đầy đủ các thông tin sau:

- Tên chính xác của hóa chất công nghiệp nguy hiểm, mã số UN và mức độ nguy hiểm của hóa chất được nêu tương ứng trong cột số 2, số 3 và số 4 bảng Danh mục hóa chất công nghiệp nguy hiểm, Phụ lục 2 của Thông tư này;

- Các tính chất vật lý và hóa học;

- Các yêu cầu về đóng gói hóa chất được vận chuyển;

- Các biện pháp cần thiết trong trường hợp hóa chất bị rò rỉ;

- Các yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận chuyển, hướng dẫn xử lý trong trường hợp có tai nạn, sự cố;

- Hướng dẫn kỹ thuật và cảnh báo khi bảo quản, lưu giữ;

- Các chú ý khi vận chuyển và tiêu hủy;

- Các khuyến cáo về an toàn đối với người lao động;

- Nếu bản tài liệu an toàn hóa chất có nhiều hơn 01 trang, các trang được đánh số liên tiếp từ một đến hết. Trên mỗi trang luôn phải có dấu hiệu báo cho người đọc biết được tổng số trang của toàn bộ văn bản (ví dụ: trang 5/8 - trang số 5 trong tổng số 8 trang).

II. DANH MỤC VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, HÓA CHẤT CÔNG NGHIỆP NGUY HIỂM VÀ YÊU CẦU VỀ ĐÓNG GÓI, NHÃN MÁC, DÁN BIỂU TRƯNG HÀNG NGUY HIỂM

1. Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm

a) Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

b) Danh mục hóa chất công nghiệp nguy hiểm thuộc loại 2, 3, 4, 5, 6 kèm theo mã số UN và số hiệu nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.

2. Đóng gói vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm

a) Việc đóng gói vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ các quy định tại TCVN 4586:1997.

b) Việc đóng gói hóa chất công nghiệp nguy hiểm dạng rắn, lỏng được chia làm 3 mức quy định tại cột 6, bảng Danh mục hóa chất công nghiệp nguy hiểm, Phụ lục 2 của Thông tư này như sau:

- Mức rất nguy hiểm biểu thị bằng số I;

- Mức nguy hiểm biểu thị bằng số II;

- Mức nguy hiểm thấp biểu thị bằng số III.

c) Ký hiệu quy cách đóng gói cho từng chủng loại hóa chất công nghiệp nguy hiểm được quy định tại cột 7, Bảng danh mục hóa chất công nghiệp nguy hiểm, Phụ lục 2 của Thông tư này.

d) Các yêu cầu về vật liệu, điều kiện kỹ thuật đóng gói và chi tiết quy cách đóng gói hóa chất nguy hiểm dạng rắn, lỏng, khí tương ứng với từng ký hiệu nêu tại cột 7, bảng Danh mục hóa chất công nghiệp nguy hiểm, Phụ lục 2 được quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

đ) Các đơn vị sản xuất hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải có trang thiết bị bảo đảm để đóng gói theo đúng các quy định tại TCVN 4586:97 đối với vật liệu nổ công nghiệp và quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này đối với hóa chất công nghiệp nguy hiểm, trước khi tiến hành vận chuyển.

e) Bao bì, thùng chứa hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải được kiểm tra, kiểm định theo tiêu chuẩn kiểm định do Bộ Công nghiệp quy định. Đơn vị đóng gói phải tuân thủ các quy định về sử dụng, kiểm tra và kiểm định các đối tượng bao gói theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các bao gói được sử dụng.

g) Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với các Vụ chức năng xây dựng các quy định về thời hạn, quy trình và tiêu chuẩn kiểm định bao gói hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

h) Việc kiểm định bao gói hóa chất công nghiệp nguy hiểm do các đơn vị có chức năng kiểm định an toàn công nghiệp, có đủ năng lực về con người và thiết bị thực hiện.

3. Nhãn hàng hóa, biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm

a) Việc ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất công nghiệp nguy hiểm được thực hiện theo các quy định hiện hành về ghi nhãn sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Phía ngoài mỗi kiện, thùng chứa vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải dán biểu trưng nguy hiểm. Kích thước, ký hiệu, mầu sắc biểu trưng nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

c) Các phương tiện vận chuyển, công-ten-nơ có chứa vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải:

- Có dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng đang vận chuyển. Nếu trên một phương tiện vận chuyển, công-ten-nơ xếp nhiều hơn một loại hóa chất công nghiệp nguy hiểm thì phía ngoài phương tiện, công-ten-nơ cũng phải dán đủ biểu trưng nguy hiểm và ghi số hiệu nguy hiểm của các loại hàng nguy hiểm tương ứng đang vận chuyển trên phương tiện đó;

- Có dán báo hiệu nguy hiểm hình chữ nhật màu vàng da cam, ở giữa có ghi mã số UN. Kích thước báo hiệu nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

d) Vị trí dán báo hiệu nguy hiểm ở bên dưới biểu trưng nguy hiểm.

đ) Các báo hiệu nguy hiểm và biểu trưng hóa chất nguy hiểm cần phải:

- Được thể bằng tiếng Việt rõ nghĩa, rõ ràng, không mờ nhạt, không mất chữ;

- In trực tiếp trên bao bì chứa hàng hóa, nếu in trên tấm giấy hoặc trên chất liệu khác thì chúng phải được gắn chặt vào bao bì chứa hàng hóa;

- Khu vực in, dán phải có màu sắc tương phản với màu sắc nhãn hiệu, báo hiệu nguy hiểm và biểu trưng hóa chất nguy hiểm được quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này, đồng thời bố trí tách biệt với các dấu hiệu khác có khả năng làm giảm hiệu quả nhận biết của nhãn báo hiệu hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

III. VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ HÓA CHẤT CÔNG NGHIỆP NGUY HIỂM

1. Giấy phép vận chuyển

Các loại vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất công nghiệp nguy hiểm chỉ được vận chuyển khi đã được đóng gói đúng kích cỡ, khối lượng, nhãn mác và chất liệu bao bì chứa đựng đúng theo yêu cầu đối với từng loại hàng và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển.

Vật liệu nổ công nghiệp được vận chuyển sau khi được cơ quan Công an phòng cháy chữa cháy cấp giấy phép.

Đơn vị vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải tiến hành xin giấy phép khi vận chuyển với khối lượng sau:

a) Hóa chất công nghiệp nguy hiểm dạng rắn và lỏng thuộc mức đóng gói I, mức rất nguy hiểm, từ 01 kilôgam trở lên.

b) Hóa chất công nghiệp nguy hiểm dạng rắn và lỏng thuộc mức đóng gói II, mức nguy hiểm, từ 50 kg trở lên.

c) Hóa chất công nghiệp nguy hiểm dạng rắn và lỏng thuộc mức đóng gói III, mức nguy hiểm thấp, từ 500 kg trở lên.

d) Hóa chất công nghiệp nguy hiểm dạng khí.

Các loại giấy phép vận chuyển và cơ quan cấp giấy phép vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ.

2. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm

a) Việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ các quy định của TCVN 4586:1997 - Vật liệu nổ công nghiệp, yêu cầu an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng.

b) Khi vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm cần mang theo các tài liệu sau:

- Giấy phép vận chuyển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;

- Thẻ an toàn lao động của lái xe, áp tải được cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Tài liệu an toàn hóa chất;

- Tên người, số điện thoại phía chủ hàng khi cần liên hệ khẩn cấp;

- Các giấy tờ cần thiết đối với người điều khiển phương tiện vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

c) Điều kiện kỹ thuật cho việc vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

- Không dùng xe rơ móc để chuyên chở hóa chất nguy hiểm;

- Xe vận chuyển hóa chất phải có ca bin đủ chỗ cho 02 người ngồi gồm 01 lái xe và 01 người áp tải;

- Bên vận chuyển phải đảm bảo các yêu cầu về người áp tải, trang thiết bị phụ trợ và các biện pháp kỹ thuật đối với vận chuyển hóa chất nguy hiểm quy định tại TCVN 5507:2002;

- Có dụng cụ phương tiện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy phù hợp đối với hóa chất công nghiệp nguy hiểm được vận chuyển do cơ quan Công an phòng chữa cháy quy định;

- Có phương tiện che, phủ kín toàn bộ bộ phận chở hàng. Mép che phủ sau khi phủ kín các phía còn thừa ra ít nhất 20cm và có đủ các bộ phận gá buộc để có thể định vị chắc chắn khi vận chuyển;

- Phương tiện che phủ phải đảm bảo chống được thấm nước và chống cháy;

- Điện áp trong hệ thống của phương tiện vận chuyển không được vượt quá 24V.

- Phương tiện vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm còn phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như đối với phương tiện vận chuyển khác trên đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quy định.

d) Áp tải hóa chất nguy hiểm

Khi vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm nhất thiết phải có người áp tải. Người áp tải phải được huấn luyện để biết rõ tính chất hóa lý của hóa chất đang vận chuyển, biện pháp phòng ngừa và các giải quyết các sự cố cháy, nổ, lan tỏa độc trong trường hợp xảy ra sự cố. Khi thực hiện nhiệm vụ, người áp tải phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân theo quy định hiện hành của Nhà nước.

đ) Người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hiểm phải tuân thủ quy định về hành trình vận chuyển, các điểm dừng, đỗ trên đường, thời gian thực hiện vận chuyển và mức chất/xếp tải trên phương tiện được ghi trên giấy phép. Trong quá trình vận chuyển không được tùy tiện chuyển hóa chất nguy hiểm sang phương tiện khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan đã cấp phép vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm đó.

e) Người điều khiển phương tiện vận chuyển các hóa chất công nghiệp nguy hiểm là các chất dễ tự bốc cháy khi đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng hoặc các công trình đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện, thì phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công các công trình đó.

3. Xếp dỡ vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm

Việc xếp dỡ vật liệu nổ công nghiệp phải tuân thủ các quy định tại TCVN 4586:1997.

Việc xếp dỡ hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải do những công nhân đã được huấn luyện và kiểm tra kiến thức về tiếp xúc, làm việc với hóa chất nguy hiểm thực hiện. Khi làm việc phải tuân theo các điều kiện quy định tại TCVN 5507:2002 - hóa chất nguy hiểm, quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển và các điều kiện liên quan khác được quy định tại TCVN 3147-90 - Quy phạm an toàn trong công tác xếp dỡ.

4. Trường hợp khẩn cấp

Khi có sự cố trên đường vận chuyển, nơi bốc dỡ như cháy, nổ, đổ vỡ hoặc các sự cố khác, nhân viên áp tải hoặc những người của bên vận chuyển hóa chất công nghiệp có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an, cơ quan đã cấp phép vận chuyển và Sở Công nghiệp tại địa phương về tình hình sự cố và các thông tin được ghi trong tài liệu an toàn hóa chất của loại hóa chất công nghiệp nguy hiểm được vận chuyển.

Khi có sự cố về phương tiện, bắt buộc phải chuyển tải hóa chất công nghiệp nguy hiểm sang phương tiện khác, bên vận chuyển phải xin phép cơ quan cấp phép vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm tại địa phương và thực hiện việc chuyển tải dưới sự giám sát của cơ quan này.

IV. YÊU CẦU VỀ HUẤN LUYỆN CÁC ĐỐI TƯỢNG LIÊN QUAN ĐẾN VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VÀ HÓA CHẤT CÔNG NGHIỆP NGUY HIỂM

1. Quy định đối với người điều khiển phương tiện, người áp tải vật liệu nổ công nghiệp

Các đối tượng có liên quan đến vật liệu nổ phải được đào tạo, kiểm tra sát hạch và cấp chứng chỉ theo quy định tại TCVN 4586:1997.

2. Quy định đối với người điều khiển phương tiện, người áp tải và người xếp dỡ hóa chất công nghiệp nguy hiểm

Người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hiểm, người áp tải, nhân viên xếp dỡ và thủ kho hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải được đào tạo, kiểm tra và cấp thẻ an toàn lao động.

Người điều khiển phương tiện còn phải có đủ các chứng chỉ khác về điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Nội dung đào tạo

Ngoài các nội dung huấn luyện về an toàn quy định tại Thông tư số 23/LĐTBXH-TT ngày 19 tháng 09 năm 1995 hướng dẫn bổ sung Thông tư 08/LĐTBXH ngày 11 tháng 04 năm 1995 về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, người điều khiển phương tiện, áp tải, bốc dỡ và thủ kho hóa chất công nghiệp nguy hiểm cần được huấn luyện bổ sung các nội dung sau:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

b) Các nhóm hóa chất độc hại chính.

c) Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của hàng hóa.

d) Các biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn (cấp cứu, an toàn trên đường, các kiến thức cơ bản về sử dụng các dụng cụ bảo vệ).

đ) Các biện pháp phòng ngừa và khắc phục thích hợp đối với mỗi loại hóa chất độc hại.

e) Các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.

4. Trách nhiệm về đào tạo, cấp chứng chỉ cho người làm việc với hóa chất nguy hiểm

a) Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Vụ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung đào tạo đối với người áp tải, thủ kho và người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

b) Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng lái xe, nhân viên áp tải, nhân viên xếp dỡ hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải xây dựng tài liệu huấn luyện bao gồm các nội dung quy định tại khoản 3, Mục IV của Thông tư này và được sự chấp nhận của Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp về nội dung của tài liệu.

c) Các đơn vị thực hiện vận chuyển hóa chất công nghiệp nguy hiểm phải đảm bảo những người thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, áp tải, xếp dỡ và thủ kho hóa chất nguy hiểm được huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động. Hàng năm tổ chức huấn luyện bổ sung, kiểm tra lại kiến thức.

d) Đơn vị phải lập hồ sơ đào tạo lưu tài liệu huấn luyện, kết quả kiểm tra và các thông tin khác liên quan đến quá trình huấn luyện, cấp thẻ an toàn lao động cho các đối tượng nêu trên.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thi hành

Hàng năm, Bộ Công nghiệp thực hiện việc bổ sung hoặc loại bỏ các vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất công nghiệp nguy hiểm trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp và Danh mục hóa chất công nghiệp nguy hiểm.

Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức việc kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật và các quy định thuộc Thông tư này.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất công nghiệp nguy hiểm theo những quy định thuộc Thông tư này.

2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc hoặc mới phát sinh các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công nghiệp để kịp thời xem xét./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.