• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/2023
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 18/2022/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 21 tháng 11 năm 2022

THÔNG TƯ

Quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nội dung quan trắc đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Luật Khí tượng thủy văn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quan trắc của trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm khí tượng thủy văn cơ bản là: trạm khí tượng, trạm thủy văn, trạm hải văn quan trắc ổn định, lâu dài và đóng vai trò nòng cốt trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Số liệu quan trắc tại trạm phản ánh các đặc trưng về khí tượng, thủy văn, hải văn của vùng, tiểu vùng hoặc lưu vực sông và được sử dụng để kiểm tra, đánh giá, so sánh số liệu quan trắc của các trạm khí tượng thủy văn khác trên cùng khu vực; được tổ chức theo mô hình trạm có quan trắc viên.

2. Trạm khí tượng thủy văn phổ thông là: trạm khí tượng, trạm thủy văn, trạm hải văn được bố trí để tăng dầy mật độ quan trắc một số yếu tố giữa các trạm cơ bản theo yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; là trạm được tổ chức quan trắc theo mô hình trạm quan trắc tự động và không có quan trắc viên.

3. Trạm khí tượng thủy văn tham chiếu là trạm được lựa chọn từ các trạm khí tượng thủy văn có thời gian quan trắc liên tục từ 30 năm trở lên và có thể tiếp tục quan trắc lâu dài, trạm có hành lang an toàn kỹ thuật tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành; số liệu quan trắc tại trạm có tính đại diện cho một vùng, tiểu vùng, khu vực hoặc lưu vực và có thể sử dụng làm cơ sở để so sánh, đánh giá xu thế biến động của các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn do tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Trạm khí tượng tham chiếu, ngoài quan trắc các yếu tố như trạm khí tượng được chọn, quan trắc thêm các yếu tố thành phần khí quyển và các yếu tố khác theo quy định.

4. Trạm khí tượng, thủy văn, hải văn cơ bản tương đương trạm hạng 1; trạm khí tượng phổ thông tương đương trạm khí tượng hạng 3; trạm thủy văn phổ thông có quan trắc lưu lượng nước tương đương trạm thủy văn hạng 2, trạm thủy văn phổ thông không quan trắc lưu lượng nước tương đương trạm thủy văn hạng 3; trạm hải văn phổ thông tương đương trạm hải văn hạng 2.

5. Phương tiện đo, truyền phát thủ công là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo, truyền phát thông tin, dữ liệu các yếu tố khí tượng thủy văn và sử dụng con người để thực hiện.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện

1. Nội dung quan trắc đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia bao gồm: yếu tố quan trắc, chế độ quan trắc và chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu.

2. Trong điều kiện khí tượng thủy văn bình thường, các trạm thực hiện quan trắc và truyền phát thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Thông tư này.

3. Trong điều kiện khí tượng thủy văn nguy hiểm, Tổng cục Khí tượng Thủy văn quyết định tăng cường chế độ quan trắc và chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn tại các trạm để đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

4. Thời gian quan trắc và truyền phát thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn trong Thông tư này được quy định theo giờ Hà Nội (giờ GMT + 7).

Điều 5. Trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

1. Trạm khí tượng bề mặt, gồm:

a) Trạm khí tượng cơ bản;

b) Trạm khí tượng phổ thông.

2. Trạm khí tượng trên cao, gồm:

a) Trạm thám không vô tuyến;

b) Trạm đo gió trên cao.

3. Trạm ra đa thời tiết.

4. Trạm thủy văn, gồm:

a) Trạm thủy văn cơ bản;

b) Trạm thủy văn phổ thông.

5. Trạm hải văn, gồm:

a) Trạm hải văn cơ bản;

b) Trạm hải văn phổ thông.

6. Trạm đo mưa.

7. Trạm định vị sét.

8. Trạm chuyên đề khác:

a) Trạm bức xạ;

b) Trạm ô-dôn và bức xạ cực tím;

c) Trạm quan trắc ô-dôn phân tầng;

d) Trạm thu ảnh vệ tinh khí tượng;

đ) Trạm đo mặn.

9. Trạm giám sát biến đổi khí hậu, gồm:

a) Trạm khí tượng tham chiếu;

b) Trạm thủy văn tham chiếu;

c) Trạm hải văn tham chiếu;

d) Trạm giám sát biến đổi khí hậu độc lập.

Điều 6. Yếu tố quan trắc khí tượng thủy văn

1. Trạm khí tượng cơ bản quan trắc đầy đủ các yếu tố:

a) Gió bề mặt;

b) Nhiệt độ không khí (thường, tối cao, tối thấp);

c) Độ ẩm không khí;

d) Áp suất khí quyển;

đ) Mưa;

e) Mây;

g) Bốc hơi (bề mặt ẩm, bề mặt nước);

h) Tầm nhìn ngang;

i) Nhiệt độ mặt đất (thường, tối cao, tối thấp);

k) Thời gian nắng;

l) Hiện tượng khí tượng;

m) Trạng thái mặt đất.

2. Trạm khí tượng phổ thông: quan trắc gió bề mặt, nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, áp suất khí quyển, mưa. Tùy theo mục đích, yêu cầu quan trắc của trạm để lựa chọn thêm một số yếu tố từ điểm e đến điểm k hoặc chỉ quan trắc gió bề mặt và lựa chọn một số yếu tố từ điểm b đến điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Trạm khí tượng bề mặt có quan trắc khí tượng nông nghiệp, lựa chọn thêm các yếu tố quan trắc: nhiệt độ các lớp đất sâu; độ ẩm đất tại các độ sâu; bức xạ quang hợp; độ ướt lá; bốc hơi (bề mặt nước); bốc thoát hơi thực tế (của thảm cỏ). Trường hợp quan trắc phục vụ phát triển nông nghiệp theo nhu cầu của Bộ, ngành, địa phương, tùy yêu cầu thực tế sẽ bổ sung thêm các yếu tố khác cho phù hợp.

4. Trạm thám không vô tuyến quan trắc:

a) Các yếu tố khí tượng bề mặt: áp suất khí quyển; nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; gió; mây; hiện tượng khí tượng;

b) Các yếu tố khí tượng trên cao: nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; áp suất khí quyển; gió và độ cao địa thế vị.

5. Trạm đo gió trên cao quan trắc:

a) Các yếu tố khí tượng bề mặt: áp suất khí quyển; nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; gió; mây; hiện tượng khí tượng;

b) Gió trên cao.

6. Trạm ra đa thời tiết quan trắc các yếu tố:

a) Trường mây;

b) Trường mưa;

c) Trường gió hướng tâm.

7. Trạm thủy văn cơ bản quan trắc đầy đủ các yếu tố:

a) Mực nước;

b) Lượng mưa;

c) Nhiệt độ nước;

d) Lưu lượng nước;

đ) Lưu lượng chất lơ lửng.

8. Trạm thủy văn phổ thông: quan trắc mực nước và một số yếu tố từ điểm b đến điểm đ khoản 7 Điều này tùy theo mục đích, yêu cầu thông tin, dữ liệu của trạm để lựa chọn quan trắc.

9. Trạm hải văn cơ bản quan trắc đầy đủ các yếu tố:

a) Mực nước biển;

b) Sóng biển;

c) Gió bề mặt biển;

d) Nhiệt độ nước biển tầng mặt;

đ) Tầm nhìn xa phía biển;

e) Độ muối nước biển;

g) Sáng biển;

h) Dòng chảy biển;

i) Hiện tượng khí tượng hải văn nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

10. Trạm hải văn phổ thông: quan trắc mực nước biển và một số yếu tố từ điểm b đến điểm i khoản 9 Điều này tùy theo mục đích, yêu cầu thông tin, dữ liệu của trạm để lựa chọn quan trắc.

11. Trạm đo mưa quan trắc: lượng mưa.

12. Trạm định vị sét quan trắc: sét (cường độ sét, loại sét).

13. Trạm bức xạ quan trắc các hạng mục của yếu tố bức xạ:

a) Bức xạ trực tiếp;

b) Bức xạ khuếch tán;

c) Bức xạ tổng quan sóng ngắn;

d) Bức xạ tổng quan sóng dài;

đ) Bức xạ phản chiếu sóng ngắn;

e) Bức xạ phản chiếu sóng dài.

14. Trạm ô-dôn và bức xạ cực tím quan trắc các yếu tố:

a) Tổng lượng ô-dôn khí quyển;

b) Cường độ bức xạ cực tím.

15. Trạm quan trắc ô-dôn phân tầng quan trắc các yếu tố:

a) Lượng ô-dôn theo từng lớp;

b) Tổng lượng ô-dôn của toàn bộ lớp khí quyển.

16. Trạm thu ảnh vệ tinh khí tượng: thu thập các ảnh mây và một số ảnh vệ tinh khí tượng khác.

17. Trạm đo mặn quan trắc các yếu tố:

a) Độ mặn;

b) Yếu tố phụ: nhiệt độ nước; mực nước; độ sâu điểm đo và thu thập các thông tin về lượng mưa; thời tiết, vị trí, đặc điểm đoạn sông (bồi xói lòng sông, các nguồn xả thải hai bên bờ sông), tình hình xâm nhập mặn các năm trước đây.

18. Trạm khí tượng tham chiếu quan trắc yếu tố:

a) Các yếu tố khí tượng của trạm khí tượng được chọn;

b) Một số yếu tố khí nhà kính: Carbon dioxide (CO2), Carbon monoxide (CO), Methan (CH4), hơi nước (H2O), Ô-dôn (O3) và các yếu tố khác theo yêu cầu.

19. Trạm thủy văn tham chiếu quan trắc các yếu tố của trạm thủy văn được chọn.

20. Trạm hải văn tham chiếu quan trắc các yếu tố của trạm hải văn được chọn.

21. Trạm giám sát biến đổi khí hậu độc lập, quan trắc một số yếu tố khí nhà kính: Carbon dioxide (CO2), Carbon monoxide (CO), Methan (CH4), hơi nước (H2O), Ô-dôn (O3), Sol khí và các yếu tố khác theo yêu cầu.

Điều 7. Chế độ quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn

1. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố khí tượng bề mặt quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Các yếu tố quy định từ điểm a đến điểm e và điểm l quan trắc 08 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 04 giờ, 07 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ;

b) Các yếu tố quy định tại điểm h và điểm i quan trắc 04 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

c) Các yếu tố quy định tại điểm g và điểm m quan trắc 02 lần một ngày vào các giờ tròn 07 giờ và 19 giờ;

d) Yếu tố quy định tại điểm k quan trắc 01 lần một ngày vào giờ tròn 19 giờ;

e) Trường hợp trạm phát báo quốc tế thì yếu tố quy định tại điểm h quan trắc tăng thêm theo chế độ 08 lần một ngày.

2. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố khí tượng bề mặt quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Các yếu tố quy định từ điểm a đến điểm e, điểm h và điểm i khoản 1 Điều 6 Thông tư này quan trắc 04 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

b) Yếu tố quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 Thông tư này quan trắc 02 lần một ngày vào các giờ tròn 07 giờ và 19 giờ;

c) Yếu tố quy định tại điểm k khoản 1 Điều 6 Thông tư này quan trắc 01 lần một ngày vào giờ tròn 19 giờ.

3. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố khí tượng nông nghiệp tại trạm khí tượng bề mặt quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Các yếu tố nhiệt độ các lớp đất sâu, độ ẩm đất tại các độ sâu, bức xạ quang hợp, độ ướt lá quan trắc 04 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ;

b) Yếu tố bốc hơi (bề mặt nước) quan trắc 02 lần một ngày vào các giờ tròn 07 giờ và 19 giờ;

c) Yếu tố bốc thoát hơi thực tế (Lyzimet) quan trắc vào giờ tròn 19 giờ;

d) Trường hợp trạm quan trắc các yếu tố phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp của địa phương thì lựa chọn chế độ quan trắc cho phù hợp.

4. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công tại trạm thám không vô tuyến: tùy theo yêu cầu sử dụng số liệu thực hiện chế độ quan trắc theo các chế độ sau: quan trắc tối đa 04 lần một ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ; quan trắc 02 lần một ngày vào 07 giờ và 19 giờ; quan trắc 01 lần một ngày vào 07 giờ.

5. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công tại trạm đo gió trên cao: 01 lần một ngày vào 07 giờ hoặc 13 giờ.

6. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố thủy văn quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 6 Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Các yếu tố mực nước, nhiệt độ nước và lượng mưa thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Yếu tố lưu lượng nước thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Yếu tố lưu lượng chất lơ lửng thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố hải văn quy định tại khoản 9 Điều 6 Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Các yếu tố quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e quan trắc 04 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

b) Yếu tố quy định tại điểm b quan trắc 03 lần một ngày vào các giờ tròn 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;

c) Yếu tố quy định tại điểm g quan trắc 02 lần một ngày vào 01 giờ và 19 giờ;

d) Yếu tố quy định tại điểm i theo dõi, quan sát liên tục trong ngày;

đ) Yếu tố quy định tại điểm h tùy theo yêu cầu phục vụ dự báo khí tượng thủy văn lựa chọn các chế độ quan trắc sau: quan trắc 04 lần một ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ, 19 giờ; quan trắc 08 lần một ngày vào 01 giờ, 04 giờ, 07 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ; quan trắc 12 lần một ngày vào các giờ lẻ: 01 giờ, 03 giờ, … cho đến 23 giờ.

8. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công đối với các yếu tố hải văn quy định tại khoản 10 Điều 6 Thông tư này, cụ thể như sau: tùy theo yếu tố quan trắc tại trạm để lựa chọn chế độ quan trắc phù hợp theo quy định tại khoản 7 Điều này.

9. Chế độ quan trắc bằng phương tiện đo thủ công tại trạm đo mưa:

a) Mùa cạn (mùa khô) quan trắc 02 lần một ngày vào các giờ tròn 07 giờ và 19 giờ;

b) Mùa lũ (mùa mưa) quan trắc 04 lần một ngày vào các giờ tròn 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ.

10. Trạm đo mặn thực hiện chế độ quan trắc theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-BTNMT ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn.

11. Trạm khí tượng tham chiếu thực hiện theo chế độ quan trắc của trạm được chọn.

12. Trạm thủy văn tham chiếu thực hiện theo chế độ quan trắc của trạm được chọn.

13. Trạm hải văn tham chiếu thực hiện theo chế độ quan trắc của trạm được chọn, riêng yếu tố mực nước biển tăng cường chế độ quan trắc là 24 lần một ngày vào các giờ tròn từ 00 giờ đến 23 giờ.

14. Các trạm quan trắc bằng phương tiện đo tự động hoặc khi các phương tiện đo thủ công được thay thế bằng thiết bị tự động: chế độ quan trắc liên tục 24/24 giờ.

Điều 8. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu tại trạm khí tượng thủy văn

1. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công đối với các yếu tố khí tượng bề mặt quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này cụ thể như sau: báo điện SYNOP 08 lần một ngày vào các giờ 01 giờ, 04 giờ, 07 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ; điện CLIM 01 lần một tháng vào 19 giờ 30 phút ngày cuối cùng của tháng và điện CLIMAT 01 lần một tháng vào 20 giờ ngày cuối cùng của tháng; các yếu tố khí tượng nông nghiệp truyền phát thông tin, dữ liệu ngay khi kết thúc quan trắc.

2. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công đối với các yếu tố khí tượng bề mặt quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này cụ thể như sau: thực hiện báo điện SYNOP 04 lần một ngày vào các giờ 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ; điện CLIM 01 lần một tháng vào 19 giờ 30 phút ngày cuối cùng của tháng.

3. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công tại trạm thám không vô tuyến: thực hiện ngay sau mỗi kỳ quan trắc và điện CLIMATTEMP 01 lần một tháng vào kỳ quan trắc cuối cùng của tháng.

4. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công tại trạm đo gió trên cao: thực hiện ngay khi kết thúc quan trắc. Trường hợp trạm quan trắc gió trên cao bằng phương pháp vô tuyến thì thực hiện thêm phát báo điện CLIMATTEMP 01 lần một tháng vào kỳ quan trắc cuối cùng của tháng.

5. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công đối với các yếu tố thủy văn quy định tại khoản 7 Điều 6 Thông tư này cụ thể như sau: các trạm thuộc danh sách trạm điện báo phục vụ dự báo khí tượng thủy văn truyền phát thông tin, dữ liệu ngay khi kết thúc lần quan trắc.

6. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công đối với các yếu tố thủy văn quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này cụ thể như sau: tùy theo yếu tố quan trắc tại trạm để lựa chọn chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu phù hợp theo quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công đối với các yếu tố hải văn quy định tại khoản 9 Điều 6 Thông tư này cụ thể như sau: thực hiện 04 lần một ngày vào các giờ: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ.

8. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công đối với các yếu tố hải văn quy định tại khoản 10 Điều 6 Thông tư này cụ thể như sau: tùy theo yếu tố quan trắc tại trạm để lựa chọn chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu phù hợp theo quy định tại khoản 7 Điều này.

9. Chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu bằng phương tiện truyền phát thủ công tại trạm đo mưa: thực hiện ngay sau khi kết thúc mỗi lần quan trắc.

10. Trạm đo mặn thực hiện chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu ngay sau khi kết thúc lần đo mặn cuối cùng trong một (01) đợt đo vào các ngày có quan trắc mặn.

11. Trạm khí tượng tham chiếu thực hiện theo chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu của trạm được chọn.

12. Trạm thủy văn tham chiếu thực hiện theo chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu của trạm được chọn.

13. Trạm hải văn tham chiếu thực hiện theo chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu của trạm được chọn.

14. Các trạm quan trắc bằng phương tiện đo tự động hoặc khi các phương tiện đo thủ công được thay thế bằng thiết bị tự động có chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu như sau:

a) Trạm định vị sét tối thiểu 05 phút một lần tại các phút (00 phút, 05 phút, 10 phút, …, 55 phút);

b) Trạm khí tượng trên cao, trạm giám sát biến đổi khí hậu và trạm bức xạ tối thiểu 01 giờ một lần tại các giờ tròn (00 giờ, 01 giờ, ..., 23 giờ);

c) Các trạm khí tượng thủy văn khác tối thiểu 10 phút một lần tại các phút tròn chục (00 phút, 10 phút, 20 phút, ..., 50 phút);

d) Tùy thuộc vào tính năng của thiết bị, công nghệ quan trắc và năng lực tiếp nhận của hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn lựa chọn chế độ truyền phát thông tin, dữ liệu cho phù hợp.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Cơ quan, đơn vị được giao quản lý trực tiếp các trạm khí tượng thủy văn quốc gia có trách nhiệm rà soát, đánh giá về yếu tố quan trắc, quan trắc viên, cơ sở vật chất, phương tiện đo của trạm khí tượng bề mặt, thủy văn, hải văn hiện có và xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung, giảm yếu tố quan trắc để xếp loại trạm khí tượng cơ bản, thủy văn cơ bản, hải văn cơ bản và các trạm phổ thông theo quy định của Thông tư này.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 01 năm 2023 và thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BTNMT ngày 13 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chnh phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Công Thành

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.