• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/06/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 19/01/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 49/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 15 tháng 5 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế

_______________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bao gồm các lĩnh vực: y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm và trang thiết bị y tế; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Y tế có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân;

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các công trình, dự án quan trọng của Bộ Y tế;

3. Ban hành theo thẩm quyền các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình quốc gia sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân;

5. Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

6. Về y tế dự phòng:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, phân tuyến kỹ thuật hệ thống y tế dự phòng và hệ thống kiểm dịch y tế biên giới;

b) Quy định tiêu chuẩn ngành về chuyên môn, kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: các bệnh nhiễm trùng, các bệnh không nhiễm trùng, HIV/AIDS; tai nạn thương tích, sức khỏe trường học, sức khoẻ lao động và bệnh nghề nghiệp; về dinh dưỡng cộng đồng; về vệ sinh an toàn nước uống, nước sinh hoạt; về vacxin và sinh phẩm y tế; về các loại hoá chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng trong lĩnh vực y tế; về chăm sóc sức khoẻ ban đầu và về truyền thông giáo dục sức khoẻ; về điều kiện sản xuất, kinh doanh vacxin, sinh phẩm y tế. Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện;

c) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quy định theo thẩm quyền và tổ chức thức hiện những biện pháp đặc biệt để dập tắt dịch;

d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc quy định phân loại, phân hạng các cơ sở y tế dự phòng;

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để phòng chống, cấp cứu và điều trị nạn nhân trong thiên tai thảm họa;

e) Phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dự trữ quốc gia và tổ chức thực hiện dự trữ quốc gia về thuốc, vacxin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế;

f) Làm thường trực về lĩnh vực HIV/AIDS của Uỷ ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

7. Về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch, phân tuyến kỹ thuật mạng lưới khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giám định (giám định y khoa, y pháp, tâm thần);

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục thành lập, sáp nhập, giải thể các bệnh viện công;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các bệnh viện công đa khoa, chuyên khoa tuyến Trung ương;

d) Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định các đề án thành lập và nâng cấp các bệnh viện thuộc các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật để bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó quyết định;

đ) Quy định các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chế chuyên môn, kỹ thuật về khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, thẩm mỹ, giám định (giám định y khoa, giám định y pháp, giám định tâm thần), về y học cổ truyền, về bảo vệ sức khỏe các đối tượng ưu tiên theo quy định của pháp luật; về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng;

e) Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan trong việc quy định phân loại, phân hạng các cơ sở khám, chữa bệnh công;

f) Quy định điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân. Thống nhất quản lý việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, bán công, dân lập, có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin trong việc quy định thông tin, quảng cáo về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, thực phẩm và trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến sức khoẻ con người;

g) Quy định các danh mục: thuốc, phẫu thuật, thủ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng được thanh toán đối với người có bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế người nghèo và người có công với nước khi khám, chữa bệnh.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định khung mức đóng và mức hưởng bảo hiểm y tế tự nguyện.

8. Về y học cổ truyền:

a) Quy định các biện pháp củng cố mạng lưới dịch vụ y tế bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y học cổ truyền;

b) Quy định các quy chế chuyên môn, kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ bằng y học cổ truyền;

c) Quy định điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề y dược cổ truyền. Thống nhất quản lý việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề y dược cổ truyền tư nhân và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở hành nghề y dược cổ truyền tư nhân, dân lập, bán công, có vốn đầu tư của nước ngoài.

9. Về thuốc và mỹ phẩm:

a) Quy định tiêu chuẩn và điều kiện đối với các tổ chức, tư nhân được sản xuất, lưu thông và nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;

b) Quy định chế độ sản xuất, lưu thông, sử dụng, tồn trữ các loại thuốc độc, thuốc và chất dễ gây nghiện, gây hưng phấn và ức chế tâm thần;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý mỹ phẩm có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người;

d) Xây dựng dược điển và dược thư quốc gia;

đ) Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin trong việc quy định thông tin, quảng cáo, giới thiệu về thuốc, vacxin, sinh phẩm y tế và mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người;

e) Thống nhất quản lý việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề dược tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với các cơ sở sản xuất, lưu thông, phân phối thuốc.

10. Về an toàn vệ sinh thực phẩm:

a) Ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy trình, quy phạm kỹ thuật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;

b) Thống nhất quản lý việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm;

c) Chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

11. Về trang thiết bị và công trình y tế:

a) Quy định danh mục, tiêu chuẩn kỹ thuật về trang thiết bị cho các cơ sở y tế, các trường y, dược và các trường thiết bị kỹ thuật y tế;

b) Phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành thiết kế mẫu các công trình y tế theo phân tuyến kỹ thuật;

c) Thẩm định theo thẩm quyền các dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế;

d) Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ;

đ) Quy định về điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế.

12. Về đào tạo cán bộ y tế:

a) Chỉ đạo việc biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ y tế bao gồm cả nội dung, chương trình giảng dạy chuyên môn, kỹ thuật của các trường cao đẳng, trung học y tế địa phương và quản lý thống nhất nội dung chương trình đó theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Quản lý các trường Đại học Y, Đại học Dược theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

13. Tổ chức và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y, dược và trang thiết bị y tế;

14. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân theo quy định của pháp luật;

15. Thẩm định và kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật;

16. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công trong các lĩnh vực về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân;

17. Quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ;

18. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực y tế thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật;

19. Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của hội và tổ chức phi Chính phủ trong các lĩnh vực về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân theo quy định của pháp luật;

20. Thanh tra, kiểm tra công tác y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, trang thiết bị và công trình y tế, thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống lãng phí và xử lý các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thuộc thẩm quyền của Bộ;

21. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung Chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

22. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các lĩnh vực về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân;

23. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế

a) Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

1. Vụ Điều trị;

2. Vụ Y học cổ truyền;

3. Vụ Sức khoẻ sinh sản;

4. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế;

5. Vụ Khoa học và Đào tạo;

6. Vụ Hợp tác quốc tế;

7. Vụ Kế hoạch - Tài chính;

8. Vụ Pháp chế;

9. Vụ Tổ chức cán bộ;

10. Văn phòng;

11. Thanh tra;

12. Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS;

13. Cục Quản lý Dược Việt Nam;

14. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

b) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ:

1. Bệnh viện Hữu nghị;

2. Bệnh viện Thống nhất;

3. Bệnh viện C Đà Nẵng;

4. Bệnh viện E;

5. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên;

6. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế;

7. Bệnh viện Chợ Rẫy;

8. Bệnh viện Bạch Mai;

9. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức;

10. Bệnh viện K;

11. Bệnh viện Nội tiết;

12. Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín - Hà Tây);

13. Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hoà- Đồng Nai);

14. Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương

(Sầm Sơn - Thanh Hoá);

15. Bệnh viện Nhi Trung ương;

16. Bệnh viện Phụ - Sản Trung ương;

17. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương;

18. Bệnh viện Châm cứu;

19. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương;

20. Bệnh viện Mắt Trung ương;

21. Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương;

22. Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt thành phố Hồ Chí Minh;

23. Viện Y học Biển;

24. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;

25. Viện Vệ sinh y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh;

26. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên;

27. Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh;

28. Viện Pasteur Nha Trang;

29. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương;

30. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn;

31. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh;

32. Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường;

33. Viện Dinh dưỡng;

34. Viện Dược liệu;

35. Viện Giám định Y khoa;

36. Viện Y pháp Trung ương;

37. Viện Chiến lược và Chính sách y tế;

38. Trường Đại học Y Hà Nội;

39. Trường Đại học Dược Hà Nội;

40. Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh;

41. Trường Đại học Y Thái Bình;

42. Trường Đại học Y Hải Phòng;

43. Trường Đại học Y tế công cộng;

44. Trường Đại học Răng Hàm Mặt;

45. Trường Đại học Y - Dược Cần Thơ;

46. Trung tâm tin học;

47. Báo Sức khoẻ và Đời sống;

48. Tạp chí Y học thực hành;

49. Tạp chí Dược học.

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp khác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 68/CP ngày 11 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế và quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.