THÔNG TƯ
Quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước bằng
nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước
___________________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 169/2006/QĐ-TTg;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin,
QUY ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định Danh mục và tiêu chí xác định sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (sau đây gọi là đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm).
Điều 2. Danh mục và tiêu chí xác định các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm
1. Sản phẩm phần cứng máy tính, sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng
a) Danh mục sản phẩm:
- Máy tính để bàn;
- Máy tính xách tay;
- Máy chủ có từ 2 bộ xử lý trung tâm trở xuống (central processing unit);
- Máy điện thoại cố định hữu tuyến;
- Tổng đài nội bộ dưới 1000 số;
- Cáp thông tin sợi quang;
- Cáp thông tin sợi đồng.
b) Tiêu chí xác định: Các sản phẩm phần cứng máy tính, sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng nêu tại điểm a khoản 1 Điều này phải thỏa mãn đồng thời các tiêu chí sau:
- Sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu tại Việt Nam;
- Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, bởi doanh nghiệp mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối (đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh nghiệp khác);
- Sản phẩm có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 20% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm; hoặc hoạt động sản xuất ra sản phẩm này tạo việc làm ổn định cho tối thiểu 50 lao động Việt Nam, bao gồm các cán bộ nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), kiểm tra chất lượng, kỹ sư và công nhận trực tiếp sản xuất;
- Sản phẩm được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001:2000 hoặc ISO 9001:2008;
- Sản phẩm đã được công bố phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN);
- Sản phẩm phải được niêm yết rõ ràng về trách nhiệm và điều kiện bảo hành; được cam kết đảm bảo chất lượng như đăng ký ban đầu; có hệ thống bảo hành, bảo trì và cung cấp các dịch vụ cần thiết khác đối với sản phẩm thuận tiện cho người sử dụng.
2. Sản phẩm phần mềm
a) Danh mục sản phẩm:
- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc;
- Phần mềm thư viện điện tử;
- Phần mềm quản lý nghiệp vụ trường học;
- Phần mềm quản lý nghiệp vụ bệnh viện;
- Phần mềm kế toán, tiền lương;
- Phần mềm quản lý nhân sự;
- Phần mềm diệt vi rút (bao gồm cả loại có tích hợp tính năng an toàn mạng Internet – Internet Security);
- Phần mềm từ điển tiếng Việt – ngoại ngữ.
b) Tiêu chí xác định: các sản phẩm phần mềm nêu tại điểm a khoản 2 Điều này phải thỏa mãn đồng thời các tiêu chí sau:
- Sản phẩm đã được đóng gói và đăng ký thương hiệu, đăng ký bản quyền tại Việt Nam; tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước;
- Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, bởi doanh nghiệp mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối (đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh nghiệp khác);
- Sản phẩm có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỉ lệ từ 30% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm; hoặc được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước có tối thiểu 30 lao động phần mềm (bao gồm các cán bộ nghiên cứu và phát triển, kiểm tra chất lượng, kỹ sư và lập trình viên);
- Sản phẩm phải được niêm yết rõ ràng về trách nhiệm và điều kiện bảo hành; được cam kết đảm bảo chất lượng như đăng ký ban đầu; có hệ thống bảo hành, bảo trì và cung cấp các dịch vụ cần thiết khác đối với sản phẩm thuận tiện cho người sử dụng.
Điều 3. Quy định về đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin
1. Đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm các loại sản phẩm công nghệ thông tin có trong Danh mục nêu tại điểm a khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư này, phải ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí tương ứng nêu tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
2. Trong trường hợp sản phẩm công nghệ thông tin cần đầu tư, mua sắm thuộc Danh mục quy định tại Điều 2 Thông tư này nhưng do yêu cầu đặc thù chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm phải lập hồ sơ giải trình và thực hiện các thủ tục xin thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Điều 4. Quy trình thẩm định phê duyệt đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại
1. Đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm lập hồ sơ giải trình chi tiết về sự cần thiết phải đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư, mua sắm và gửi xin ý kiến cơ quan chuyên môn (đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin đối với các cơ quan Trung ương; Sở Thông tin và Truyền thông đối với các địa phương).
2. Hồ sơ bao gồm:
- Tài liệu mô tả yêu cầu đặc thù kỹ thuật;
- Tài liệu chứng minh tính năng kỹ thuật sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước thuộc Danh mục nêu tại Điều 2 Thông tư này chưa đáp ứng được yêu cầu đặc thù kỹ thuật;
- Các tài liệu khác có liên quan.
3. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ giải trình hợp lệ, cơ quan chuyên môn phải có văn bản trả lời gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt và đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm, trong đó nêu rõ ý kiến chuyên môn về đề nghị đầu tư, mua sắm sản phẩm nhập ngoại.
4. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư, mua sắm căn cứ vào ý kiến của cơ quan chuyên môn và hồ sơ giải trình của đơn vị chủ trì đầu tư, mua sắm để xem xét ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2010 và thay thế Thông tư số 02/2007/TT-BBCVT ngày 02/8/2007 của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét giải quyết./.