• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 21/05/2011
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 18/2011/TT- BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 6 tháng 4 năm 2011

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật

theo Nghị quyết số 57/NQ-CP  ngày 15 tháng 12 năm 2010

_________________________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010 như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 38/2010/TT - BNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2010 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi là Thông tư số 38/2010/TT –BNNPTNT)

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

 “Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Mỗi loại hoạt chất hay thuốc kỹ thuật của một nhà sản xuất chỉ được đăng ký 01 tên thương phẩm để phòng, trừ dịch hại hoặc điều hòa sinh trưởng cây trồng.

Nếu các thuốc này dùng để khử trùng kho tàng, bến bãi; bảo quản nông lâm sản hoặc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều thì được đăng ký thêm 01 tên thương phẩm khác.

2. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài là nhà sản xuất ra hoạt chất hay thuốc kỹ thuật được trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc được ủy quyền 01 lần cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên đăng ký 01 tên thương phẩm cho 01 hoạt chất hay thuốc kỹ thuật do mình sản xuất ra.

3. Tổ chức, cá nhân được ủy quyền chỉ được đứng tên đăng ký 01 tên thương phẩm cho 01 loại hoạt chất hay nguyên liệu (thuốc kỹ thuật) của bất kỳ nhà ủy quyền nào. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký được quyền thay đổi nhà sản xuất theo yêu cầu hoặc được quyền chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký theo thỏa thuận. Sau khi chuyển nhượng, đơn vị đã đứng tên đăng ký và đơn vị được chuyển nhượng quyền đứng tên đăng ký không được sử dụng hoạt chất cùng loại để đứng tên đăng ký tên sản phẩm khác. Việc thay đổi nhà sản xuất hoặc chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký phải được Cục Bảo vệ thực vật chấp thuận và làm các thủ tục pháp lý liên quan.

4. Các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học có độ độc cấp tính của hoạt chất thuộc nhóm III hoặc nhóm IV theo quy định tại mục 1, mục 7, Phụ lục 4 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT, có hoạt chất không thuộc nhóm chlor hữu cơ, có thời gian cách ly ở Việt Nam tối đa là bảy (07) ngày và có kết quả khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam đạt yêu cầu theo quy định thì được đăng ký sử dụng để phòng trừ dịch hại, để điều hoà sinh trưởng cho cây ăn quả, cho cây chè và cho cây rau hoặc để bảo quản nông sản sau thu hoạch.

5. Các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký riêng lẻ để phòng trừ cùng một loại dịch hại, có thể được khuyến cáo phối trộn khi sử dụng, nhưng không được mang một tên riêng khi chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận.

6. Thuốc bảo vệ thực vật sau khi đăng ký chỉ được đổi tên thương phẩm nếu có kết luận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc của tòa án về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Tên thương phẩm cũ bị hủy bỏ và không được sử dụng lại”.

2. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Đăng ký khảo nghiệm

a) Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng tại Việt Nam đều phải đăng ký khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam. Khảo nghiệm hiệu lực sinh học thực hiện theo quy định tại Chương XII của Thông tư số 38/2010/TT –BNNPTNT.

Các thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học đăng ký chính thức, đặt tên thương phẩm hoặc hỗn hợp phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học trên diện hẹp và diện rộng.

Các thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học đăng ký chính thức, đặt tên thương phẩm, hoặc hỗn hợp; các thuốc bảo vệ thực vật đăng ký bổ sung phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học trên diện rộng.

b) Các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học lần đầu đăng ký sử dụng để phòng trừ dịch hại (trừ thuốc trừ cỏ dùng cho cây ăn quả và chè); để điều hoà sinh trưởng cho từng loại cây ăn quả từ giai đoạn đậu quả, cho cây chè, cho từng loại cây rau; để bảo quản nông sản sau thu hoạch phải tiến hành khảo nghiệm xác định lại thời gian cách ly ở Việt Nam và được thực hiện theo quy định tại Chương XII của Thông tư 38/2010/TT –BNNPTNT.

2. Đăng ký chính thức

Các loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký chính thức gồm:

a) Mới tạo ra trong nước và được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là một loại thuốc bảo vệ thực vật;

b) Đã thành sản phẩm hàng hóa ở nước ngoài, nhưng lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam.

3. Đăng ký bổ sung

Các loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký bổ sung gồm:

a) Có hoạt chất như thuốc của tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký chính thức ba (03) năm kể từ ngày Thông tư về việc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực thi hành;

b) Mang tên thương phẩm khác với thuốc có cùng loại hoạt chất trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng;

c) Bổ sung phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất;

d) Hỗn hợp hai (02) hay nhiều hoạt chất thành sản phẩm mới”.

3. Bổ sung Điều 6a

“Điều 6a. Gia hạn đăng ký

a) Gia hạn đăng ký được áp dụng cho các loại thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng ở Việt Nam khi Giấy chứng nhận đăng ký hết hạn.

b) Thời gian nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trong vòng ba (03) tháng trước khi Giấy chứng nhận đăng ký hết hạn. Các loại thuốc bảo vệ thực vật không làm thủ tục gia hạn đăng ký đúng thời gian sẽ bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng ở Việt Nam.

c) Không gia hạn đăng ký đối với các thuốc bảo vệ thực vật quy định tại khoản 4, 5 Điều 5 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT tại thời điểm giấy đăng ký hết hạn”.

4. Bổ sung Điều 6b

“Điều 6b. Trình tự và thủ tục đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Đăng ký khảo nghiệm

a) Nộp hồ sơ

 Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật đăng ký khảo nghiệm nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.

b) Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép đăng ký khảo nghiệm

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc tể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định.

2. Đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung thuốc bảo vệ thực vật

a) Nộp hồ sơ

 Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung thuốc bảo vệ thực vật nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.

b) Thẩm định hồ sơ

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì làm thủ tục theo quy định tại Điểm c, Khoản 2 của Điều này.

- Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa hợp lệ, trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

c) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký

- Cục Bảo vệ thực tổ chức họp Hội đồng tư vấn thuốc bảo vệ thực vật thẩm định và xét duyệt các thuốc bảo vệ thực vật đề nghị đăng ký chính thức và đăng ký bổ sung.

- Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản kết luận của Hội đồng tư vấn cho tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật đề nghị đăng ký nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ hoặc không được chấp nhận vì lý do về kỹ thuật.

- Cục Bảo vệ thực vật lập hồ sơ các loại thuốc được Hội đồng tư vấn xem xét và đề nghị công nhận trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời gian không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ khi cơ quan đăng ký trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng.

- Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

3. Chuyển nhượng sản phẩm đã đăng ký, thay đổi nhà sản xuất, thay đổi tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật đã đăng ký, gia hạn đăng ký

a) Nộp hồ sơ

 Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng sản phẩm đã đăng ký, thay đổi nhà sản xuất, thay đổi tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật đã đăng ký, gia hạn đăng ký nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.

b) Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

- Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đầy đủ, hợp lệ, trong vòng năm (05) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

- Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý‎ do về việc không cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật”.

5. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Hồ sơ đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm

a) Mục đích đăng ký chính thức, đặt tên, hỗn hợp

- Đơn đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy ủy quyền của nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật xin đăng ký;

- Giấy xác nhận (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) là nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật do cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước sở tại cấp;

- Tài liệu kỹ thuật thành phẩm chi tiết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, được sao, dịch từ bản gốc, có dấu xác nhận của nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

- Bản sao Giấy đăng ký sử dụng thuốc tại nước ngoài đối với các thuốc đăng ký chính thức;

- Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

- Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp hoặc bản sao hợp pháp giấy ủy nhiệm, giấy chuyển nhượng quyền sử dụng các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu các sản phẩm ở Việt Nam của chủ sở hữu các sản phẩm đó (nếu có).

b) Mục đích đăng ký bổ sung phạm vi sử dụng, liều lượng, cách sử dụng

- Đơn đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

- Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

c) Mục đích đăng ký bổ sung dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất

- Đơn đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

- Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

- Tài liệu kỹ thuật chi tiết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, được sao, dịch từ bản gốc, có dấu xác nhận của nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật quy định tại mục II, Phụ lục 3 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

2. Hồ sơ đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

a) Đơn đăng ký thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này;

b) Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp;

c) Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

d) Kết quả khảo nghiệm hiệu lực sinh học, kết quả khảo nghiệm xác định thời gian cách ly theo mẫu qui định tại Phụ lục 16 và 17 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

3. Hồ sơ gia hạn đăng ký

a) Đơn đăng ký thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

c) Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

Hồ sơ thay đổi nhà sản xuất

a) Đơn đề nghị quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

b) Giấy ủy quyền của nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật;

c) Giấy xác nhận (bản chính hoặc bản sao chứng thực) là nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật do cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước sở tại cấp;

d) Tài liệu kỹ thuật chi tiết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, được sao, dịch từ bản gốc, có dấu xác nhận của nhà sản xuất ra hoạt chất hoặc thuốc kỹ thuật quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

đ) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

e) Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

5. Hồ sơ thay đổi tên thương phẩm

a) Đơn đề nghị quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

b) Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc của tòa án về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa;

c) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

6. Hồ sơ chuyển nhượng thuốc bảo vệ thực vật

a) Đơn đề nghị quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

b) Bảo sao hợp pháp hợp đồng chuyển nhượng hoặc thoả thuận chuyển nhượng sản phẩm;

c) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Mẫu nhãn thuốc quy định tại Chương IX của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT”.

6. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Cơ quan đăng ký và trách nhiệm của cơ quan đăng ký

1. Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

2. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký:

a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký và chất chuẩn;

b) Thẩm định, lưu giữ và bảo mật hồ sơ;

c) Trả lời kết quả thẩm định và cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu tại Phụ lục 12 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

d) Tổ chức các kỳ họp Hội đồng Tư vấn để xét duyệt các thuốc xin đăng ký chính thức, lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn về các loại thuốc đăng ký bổ sung và lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thông tư ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng sau khi đã được Hội đồng Tư vấn xem xét và đề nghị công nhận.

Ngay sau khi có kết quả họp Hội đồng tư vấn, Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật và thuốc đó được phép lưu hành;

đ) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu tại Phụ lục 13 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

e) Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

g) Thu phí, lệ phí cấp Giấy phép khảo nghiệm và Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo quy định hiện hành”.

7. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 17. Cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT;

b) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành hàng thuốc bảo vệ thực vật hoặc vật tư nông nghiệp (chỉ nộp lần đầu);

c) Trường hợp tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu, nhập khẩu với mục đích gia công, sang chai, đóng gói để tái xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, phải nộp 01 bản sao hợp pháp hợp đồng xuất khẩu và 01 bản sao hợp pháp hợp đồng nhập khẩu với đối tác nước ngoài. Trường hợp nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật để gia công, sang chai, đóng gói cho thương nhân nước ngoài, phải nộp 01 bản sao hợp pháp hợp đồng gia công;

d) Trường hợp nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật chưa có tên thương phẩm và hoạt chất trong danh mục được phép sử dụng để dùng trong dự án đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, phải nộp bản sao hợp pháp Giấy phép đầu tư nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp (chỉ nộp lần đầu);

đ) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục hoặc chưa có trong Danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để sử dụng trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng kinh tế đối với các đối tác nước ngoài; xử lý đồ gỗ, hàng mây tre đan xuất khẩu, sử dụng trong các cơ sở vui chơi, giải trí; Thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục hoặc chưa có trong Danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam nhập khẩu để gia công trong các hợp đồng kinh tế với nước ngoài thì nộp bản sao hợp pháp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước xuất khẩu;

e) Trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng, phải nộp bản sao hợp pháp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng.

2. Trình tự thực hiện

a) Nộp hồ sơ

 Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 1, Điều 17 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

b) Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật

- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT.

- Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đầy đủ, hợp lệ trong vòng (05) ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh theo hồ sơ quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý‎ do về việc không cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật”.

8. Khoản 6 của Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“6. Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản lưu thông trên thị trường được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 16/2009/TT-BKHCN ngày 02 tháng 6 năm 2009 Hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường”.

9. Bổ sung Điều 48a

“Điều 48a. Trình tự và cách thức thực hiện

1. Gửi mẫu

 Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm định chất lượng hoặc nông sản muốn kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (gọi chung là mẫu) gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một lượng mẫu theo quy định về tiêu chuẩn lấy mẫu để kiểm định, phiếu yêu cầu kiểm định được qui định bởi các tổ chức kiểm định và Biên bản lấy mẫu (nếu có).

Người nhận mẫu xem xét phiếu yêu cầu, kiểm tra tình trạng mẫu và hẹn thời gian trả kết quả theo quy định.

2. Kiểm định và cấp kết quả kiểm định

Trong thời gian từ 3 đến 15 ngày làm việc từ khi nhận được mẫu, các tổ chức kiểm định thông báo kết quả kiểm định. Trường hợp phải kéo dài thời gian kiểm định thì thông báo ngay và bàn bạc với tổ chức, cá nhân có mẫu cần kiểm định”.

10. Sửa đổi, bổ sung Phụ lục

Bổ sung Phụ lục 1, Mẫu đơn đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, ban hành kèm theo Thông tư này.

Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/TT-BNNPTNT thành Phụ lục 2 Mẫu đơn đăng ký thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Thông tư này.

11. Bãi bỏ Điều 13, khoản 1, 2 Điều 15 Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 77/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/12/2009 quy định về kiểm tra nhà nước chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 77/2009/TT-BNNPTNT)

“Điều 6. Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng

1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu gồm:

a) Giấy “Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu” theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 77/2009/TT-BNNPTNT. Số lượng hai (02) bản.

b) Bản photocopy các giấy tờ sau:

- Hợp đồng mua bán;

- Giấy phép nhập khẩu (đối với thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng);

- Danh mục hàng hoá kèm theo (packing list): Ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng (batch No);

- Hoá đơn hàng hoá;

- Vận đơn (đối với trường hợp hàng hoá nhập theo đường biển hoặc đường sắt);

- Giấy chứng nhận xuất xứ;

- Giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá của lô hàng (nếu có)”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 16/2004/QĐ-BNN-BVTV ngày 20/4/2004 Ban hành quy định về các thủ tục kiểm tra vật thể và lập hồ sơ kiểm dịch thực vật

1. Bãi bỏ mục thời gian có hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa tại Mẫu số 7 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2004/QĐ-BNN-BVTV .

Sửa đổi, bổ sung Mẫu số 7 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2004/QĐ-BNN-BVTV ngày 20/4/2004, thành Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bãi bỏ Mẫu số 13 Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 16/2004/QĐ-BNN-BVTV ngày 20/4/2004.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày ký.

2. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.