• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 10/06/2011
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 34/2011/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 26 tháng 4 năm 2011
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định
số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 và Tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện
thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000
____________________________
 
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004
1. Sửa đổi khoản 3 Điều 3 như sau:
“Phê duyệt các hồ sơ thiết kế có liên quan đến việc đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu phương tiện và các trang thiết bị lắp đặt trên phương tiện”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế
1. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt hồ sơ thiết kế. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) 01 Giấy đề nghị duyệt thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quy định này (bản chính);
b) 03 hồ sơ thiết kế theo quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho phương tiện (bản chính).
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính. Nếu hồ sơ không đầy đủ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại, nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành duyệt hồ sơ thiết kế. Nếu không đạt thì thông báo cho tổ chức, cá nhân; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế. Các trường hợp thiết kế loại phương tiện kiểu mới hoặc phức tạp, thời gian hoàn thành phê duyệt thiết kế thực hiện theo thỏa thuận giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với tổ chức, cá nhân.
4. Tổ chức, cá nhân có thể nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
Điều 8. Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
1. Chủ phương tiện hoặc cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện khi đề nghị kiểm tra để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa phải gửi/ trình cho đơn vị đăng kiểm hồ sơ như sau:
a) Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Quy định này (bản chính);
b) Hồ sơ kỹ thuật phương tiện như sau:
- Phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi thì trình hồ sơ thiết kế được duyệt (bản chính);
- Phương tiện đang khai thác thì trình giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng với Sổ kiểm tra kỹ thuật của phương tiện (bản chính);
- Phương tiện nhập khẩu thì nộp: 01 bản sao chụp tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan (có bản chính để đối chiếu); 01 hồ sơ thiết kế được Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt (bản chính) và các tài liệu kỹ thuật của tổ chức nước ngoài cấp cho phương tiện (nếu có).
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở đơn vị đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính. Nếu hồ sơ không đầy đủ thì đơn vị đăng kiểm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện, nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa điểm kiểm tra. Trường hợp đề nghị kiểm tra bằng hình thức mời trực tiếp, gọi điện thoại hay gửi Fax thì không phải nộp giấy đề nghị kiểm tra như nêu tại điểm a khoản 1.
3. Kết quả kiểm tra mà phương tiện và trang thiết bị lắp trên phương tiện thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì đơn vị đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện chậm nhất một ngày làm việc sau khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường. Các trường hợp khác thực hiện theo thỏa thuận giữa đơn vị đăng kiểm với chủ phương tiện, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện.
4. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra bất thường bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đơn vị đăng kiểm phải tổ chức thực hiện kiểm tra và trả lời bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo nội dung, thời gian và địa điểm yêu cầu kiểm tra”.
4. Bổ sung Phụ lục I, Phụ lục II vào Quyết định số 25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
1. Bổ sung Điều 10a vào sau Điều 10 như sau:
“Điều 10a. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên
1. Đơn vị đăng kiểm và người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên hoàn thiện 01 bộ hồ sơ và nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính, hồ sơ gồm:
a) Giấy đề nghị của đơn vị đăng kiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quy định này (bản chính);
b) Lý lịch khoa học của người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Quy định này (bản chính);
c) Báo cáo thực tập của người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Quy định này (bản chính);
d) Học bạ của người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Quy định này (bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp và mang bản chính đến để đối chiếu).
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:
a) Nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn đơn vị đăng kiểm và người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên: Nếu không đạt thì thông báo cho đơn vị đăng kiểm và người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên; nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong phạm vi 05 ngày làm việc sau khi có kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên. Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng kiểm viên là 36 tháng kể từ ngày ký.
c) Đơn vị đăng kiểm và người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên có thể nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính”.
2. Sửa đổi khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Lập kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo; tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực người được đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo Quy định này”;
3. Bổ sung Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III và Phụ lục IV vào Quyết định số 2687/2000/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2000 của Bộ trưởng.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Nghĩa Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.