• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2007
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Số: 40/QĐ-HĐQL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 29 tháng 12 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế hoạt động thanh toán trong nước

qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam

____________________________

HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 110/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

Căn cứ Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26 tháng 3 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

Căn cứ văn bản số 8345 /NHNN- BTT ngày 29/9/2006 của Ngân hàng Nhà nước v/v Tham gia hệ thống thanh toán và cung ứng dịch vụ thanh toán;

Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam ngày 28/12/2006.

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày  01/01/2007.

Điều 3. Tổng Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN TRONG NƯỚC

QUA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 40 /QĐ-HĐQL  ngày 29 tháng12năm 2006
của Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam)

____________________________

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

1- Quy chế này áp dụng cho các đối tượng sau:

a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

b) Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam gồm các tổ chức, khách hàng có quan hệ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, vay vốn ODA, uỷ thác cho vay, uỷ thác cấp phát qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các nhiệm vụ khác có liên quan có sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2- Quy chế này áp dụng cho các hoạt động thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển, bao gồm:

a) Mở và sử dụng tài khoản thanh toán;

b) Thực hiện và sử dụng dịch vụ thanh toán;

c) Tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán.

3- Mọi hoạt động thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải chấp hành các quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thanh toán.

Điều 2. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

1- Ngân hàng Phát triển Việt Nam được mở tài khoản cho hoạt động thanh toán của các tổ chức, khách hàng có quan hệ tín dụng, có sử dụng dịch vụ thanh toán nêu tại Khoản 1 Điều 1 quy chế này, bao gồm:

a) Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

- Các tổ chức tài chính, tín dụng;

- Khách hàng có quan hệ vay vốn tín dụng nhà nước, hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Khách hàng có quan hệ vay nợ, viện trợ từ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn theo hiệp định của Chính phủ;

- Khách hàng có quan hệ vay tín dụng xuất khẩu ngắn hạn, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu;

- Khách hàng có quan hệ uỷ thác cho vay, uỷ thác cấp phát qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

- Khách hàng khác có liên quan đến nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nhu cầu thanh toán trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

b) Các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật nơi mà tổ chức đó được thành lập và được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

2- Loại tài khoản thanh toán, tính chất, điều kiện, thủ tục mở và sử dụng tài khoản thanh toán; phong toả, đóng tài khoản thanh toán do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 3. Đảm bảo khả năng thanh toán.

1- Khả năng thanh toán là số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của người sử dụng dịch vụ thanh toán và hạn mức thấu chi (nếu có) hoặc hạn mức tín dụng (nếu có)

2- Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải đảm khả năng thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán mà mình đã lập.

3- Người sử dụng dịch vụ thanh toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ được phép thấu chi theo hạn mức thấu chi hoặc hạn mức tín dụng đã được thoả thuận bằng văn bản với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nếu các thoả thuận này phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.

Điều 4. Quản lý ngoại hối trong hoạt động thanh toán.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam, người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối trong việc mở tài khoản, thực hiện và sử dụng dịch vụ thanh toán.

CHƯƠNG II
SỬ DỤNG VÀ THỰC HIỆN DỊCH VỤ THANH TOÁN

MỤC 1. LỆNH THANH TOÁN, CHỨNG TỪ THANH TOÁN

Điều 5. Lệnh thanh toán và thực hiện Lệnh thanh toán.

1- Lệnh thanh toán là lệnh của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam dưới hình thức chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử hoặc các hình thức khác theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện giao dịch thanh toán.

2- Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nghĩa vụ điều chỉnh các giao dịch thanh toán trong trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thực hiện giao dịch thanh toán không đúng yêu cầu của Lệnh thanh toán.

Điều 6. Chứng từ thanh toán.

1- Chứng từ thanh toán là cơ sở để thực hiện giao dịch thanh toán. Chứng từ thanh toán có thể được lập dưới hình thức chứng từ giấy, chứng từ điện tử hoặc các hình thức khác theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

2- Loại chứng từ, các yếu tố của chứng từ, việc lập, kiểm soát, luân chuyển, bảo quản và lưu trữ chứng từ, trách nhiệm của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan về chứng từ thanh toán.

MỤC 2 . PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN,

CUNG ỨNG PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN

Điều 7. Phương tiện thanh toán.

Các phương tiện thanh toán bao gồm:

1- Tiền mặt: là tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, dùng làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.

2- Séc: là lệnh trả tiền do chủ tài khoản lập theo quy định của pháp luật và theo mẫu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam trích một số tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để trả cho người thụ hưởng có tên ghi trên séc hoặc trả cho người cầm séc.

3- Uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi: là phương tiện thanh toán do người trả tiền lập theo mẫu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, gửi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam nơi người trả tiền mở tài khoản, yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam trích một số tiền nhất định trên tài khoản của mình để trả cho người thụ hưởng.

4- Uỷ nhiệm thu hoặc nhờ thu: là phương tiện thanh toán do người thụ hưởng lập theo mẫu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, gửi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam uỷ thác thu hộ một số tiền nhất định.

5- Các phương tiện thanh toán khác như thẻ ngân hàng, hối phiếu, lệnh phiếu... theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Cung ứng phương tiện thanh toán.

1- Cung ứng phương tiện thanh toán bằng tiền mặt

Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nghĩa vụ đáp ứng đầy đủ kịp thời các yêu cầu gửi và rút tiền mặt của người sử dụng dịch vụ thanh toán trong phạm vi số dư trên tài khoản và hạn mức thấu chi đã thoả thuận với chủ tài khoản, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thoả thuận với người sử dụng dịch vụ thanh toán về việc báo trước khi rút tiền mặt số lượng lớn.

2- Cung ứng phương tiện thanh toán bằng séc: thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về phát hành và sử dụng séc.

3- Cung ứng phương tiện thanh toán bằng uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu hoặc nhờ thu: thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chứng từ thanh toán.

4- Cung ứng phương tiện thanh toán khác thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.

MỤC 3. DỊCH VỤ THANH TOÁN TRONG NƯỚC

Điều 9. Cung ứng dịch vụ thanh toán trong nước.

1- Dịch vụ thanh toán trong nước là dịch vụ mà giao dịch thanh toán được xác lập, thực hiện và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp có liên quan đến tài khoản mở tại nước ngoài hoặc có doanh nghiệp chế xuất tham gia.

2- Dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm các thể thức thanh toán.

a- Thanh toán bằng séc: Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về phát hành và sử dụng séc. Người ký phát hành séc (chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền) có nghĩa vụ đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc mình ký phát.

b- Thanh toán bằng lệnh chi hoặc uỷ nhiệm chi.

Lệnh chi hoặc uỷ nhiệm chi được áp dụng trong thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ hoặc chuyển tiền của người sử dụng dịch vụ thanh toán trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác.

Các yếu tố của lệnh chi hoặc uỷ nhiệm chi, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Điều kiện, thủ tục thanh toán, thời hạn thực hiện lệnh chi hoặc uỷ nhiệm chi do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

c- Thanh toán bằng nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu.

Nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu được áp dụng trong giao dịch thanh toán giữa những người sử dụng dịch vụ thanh toán có mở tài khoản trong nội bộ hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trên cơ sở có thoả thuận hoặc hợp đồng về các điều kiện thu hộ giữa bên trả tiền và bên thụ hưởng.

Các yếu tố của nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Điều kiện, thủ tục thanh toán, thời hạn thực hiện nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

d- Thanh toán bằng thư tín dụng.

Thư tín dụng là một văn bản cam kết có điều kiện được Ngân hàng Phát triển Việt nam mở theo yêu cầu của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (người xin mở thư tín dụng), theo đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện yêu cầu của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (người xin mở thư tín dụng) để:

- Trả tiền hoặc uỷ quyền cho Ngân hàng khác trả tiền ngay theo lệnh của người thụ hưởng khi nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp với các điều kiện của thư tín dụng; hoặc

- Chấp nhận sẽ trả tiền hoặc uỷ quyền cho Ngân hàng khác trả tiền theo lệnh của người thụ hưởng vào một thời điểm nhất định trong tương lai khi nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp với các điều kiện thanh toán của thư tín dụng.

Việc mở, phát hành, sửa đổi, thông báo, xác nhận, kiểm tra chứng từ, thanh toán và quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong thanh toán thư tín dụng do Ngân hàng phát triển Việt Nam quy định phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

e- Các thể thức thanh toán trong nước khác.

Việc thanh toán theo các thể thức thanh toán trong nước khác thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

MỤC 4. DỊCH VỤ THU HỘ, CHI HỘ

Điều 10. Dịch vụ thu hộ, chi hộ.

1- Dịch vụ thu hộ là dịch vụ thanh toán mà Ngân hàng Phát triển Việt nam thực hiện theo yêu cầu của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Ngân hàng Phát triển Việt Nam cung cấp (người thụ hưởng) nhằm đạt được kết quả người trả tiền chấp nhận trả tiền ngay hoặc chấp thuận trả tiền vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Dịch vụ thu hộ bao gồm việc nhận, xử lý, gửi chứng từ đi nhờ thu và thanh toán kết quả nhờ thu; huỷ nhờ thu theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán.

Các thể thức thu hộ bao gồm: thu hộ séc, thu hộ thương phiếu, thực hiện nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu và các thể thức thu hộ khác theo thoả thuận không trái với pháp luật.

2- Dịch vụ chi hộ là dịch vụ thanh toán mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Ngân hàng Phát triển Việt Nam cung cấp nhằm thực hiện nghĩa vụ chi trả cho người thụ hưởng.

Các thể thức chi hộ bao gồm: đại lý thanh toán séc, thẻ và các hình thức đại lý, uỷ thác hoặc chi hộ khác theo thoả thuận không trái pháp luật .

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC VÀ THAM GIA CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN

Điều 11. Hệ thống thanh toán, chủ trì và thành viên của hệ thống thanh toán

1- Hệ thống thanh toán là hệ thống được tổ chức theo quy tắc, điều kiện và tiêu chuẩn chung về thanh toán trên cơ sở thoả thuận hoặc quy định giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam với các thành viên trực tiếp, nhằm thực hiện việc chuyển giao và quyết toán các nghĩa vụ thanh toán giữa các thành viên.

2- Chủ trì hệ thống thanh toán là Ngân hàng Phát triển Việt Nam với trách nhiệm tổ chức hệ thống thanh toán, ban hành hoặc thoả thuận với các thành viên trực tiếp về các quy tắc, điều kiện và tiêu chuẩn chung cho hoạt động của hệ thống thanh toán.

3- Thành viên trực tiếp là thành viên của hệ thống thanh toán có nghĩa vụ quyết toán với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chủ trì hệ thống thanh toán) hoặc với các thành viên trực tiếp khác đối với các giao dịch thanh toán thực hiện theo yêu cầu của Người sử dụng dịch vụ thanh toán của mình hoặc của các thành viên gián tiếp mà mình đại diện.

4- Thành viên gián tiếp là thành viên không đủ điều kiện để trở thành thành viên trực tiếp của hệ thống thanh toán, thực hiện giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán thông qua một thành viên trực tiếp của hệ thống thanh toán đại diện cho mình và chỉ có nghĩa vụ quyết toán với thành viên trực tiếp đó.

Điều 12. Tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ.

1- Hệ thống thanh toán nội bộ là hệ thống thanh toán được thiết lập để thực hiện giao dịch thanh toán giữa các thành viên trực tiếp là đơn vị trực thuộc của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2- Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam được tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ cho các thành viên trực tiếp là các đơn vị trực thuộc.

Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm về tổ chức hoạt động, tiêu chuẩn trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện phục vụ, cán bộ vận hành hệ thống thanh toán nội bộ, quy định các điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục tham gia đối với các thành viên của hệ thống thanh toán nội bộ, quy định các biện pháp bảo mật, phòng chống gian lận, quy trình nghiệp vụ có liên quan đến hoạt động của hệ thống thanh toán nội bộ.

Điều 13. Tổ chức và tham gia thanh toán liên Ngân hàng để thực hiện các hoạt động tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu và các nhiệm vụ khác có liên quan.

1- Ngân hàng Phát triển Việt Nam được tổ chức và tham gia thanh toán liên song phương với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác bằng cách:

a) Mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đó;

b) Cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đó mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Các điều kiện, thủ tục, cam kết, quy định về thanh toán giữa hai bên do hai bên thoả thuận phù hợp với quy định hiện hành.

2- Ngân hàng Phát triển Việt Nam được tham gia hệ thống thanh toán liên Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức theo các hình thức sau đây:

a) Thanh toán bù trừ, bao gồm các hình thức: thanh toán bù trừ bằng chứng từ giấy và thanh toán bù trừ bằng chứng từ điện tử (bù trừ điện tử).

b) Thanh toán từng lần qua tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm các hình thức: thanh toán bằng chứng từ giấy và thanh toán bằng chứng từ điện tử (thanh toán điện tử).

c) Tham gia vào hệ thóng thanh toán điện tử liên ngân hàng khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước khi tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

CHƯƠNG IV
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA
HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN

Điều 14. Quyền của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

1- Quy định về phí dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ thanh toán do Ngân hàng Phát triển Việt Nam cung cấp; các biện pháp bảo mật, phòng chống gian lận đảm bảo an toàn trong thanh toán; đóng tài khoản khi tài khoản không hoạt động trong thời hạn dài và có số dư thấp dưới mức quy định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; quy định về hạn mức thấu chi và các quy định khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2- Yêu cầu Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam cung cấp thông tin có liên quan khi sử dụng dịch vụ thanh toán và trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.

3- Từ chối cung cấp dịch vụ thanh toán khi Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ thanh toán, không tuân thủ quy định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc vi phạm các thoả thuận khác.

Điều 15. Nghĩa vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

1- Thực hiện giao dịch thanh toán kịp thời, an toàn theo yêu cầu của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam; niêm yết công khai về phí dịch vụ thanh toán; giữ bí mật các thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trừ các trường hợp được pháp luật quy định; giải quyết hoặc trả lời các khiếu nại của Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong phạm vi quyền hạn của mình;

2- Từ chối thực hiện giao dịch thanh toán đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp;

3- Không được che dấu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, số tiền thanh toán và các thông tin có liên quan khác đối với các giao dịch thanh toán đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp.

4- Cung cấp thông tin cho chủ tài khoản theo quy định tại Điều 20 quy chế này; Báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan theo quy định tại Điều 21 Quy chế này.

Điều 16. Quyền của người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

1- Thoả thuận với Ngân hàng Phát triển Việt Nam về hạn mức thấu chi và các thoả thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2- Yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 20 quy chế này.

3- Khiếu nại và đòi Ngân hàng Phát triển Việt Nam bồi thường thiệt hại khi Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện giao dịch thanh toán chậm so với thoả thuận; không thực hiện giao dịch thanh toán hoặc thực hiện giao dịch thanh toán không đúng số tiền, người được thụ hưởng theo yêu cầu của lệnh thanh toán đó; thu phí dịch vụ thanh toán không theo loại phí hoặc mức phí mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã công bố và các vi phạm khác.

Điều 17. Nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

1- Thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật và của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi sử dụng dịch vụ thanh toán.

2- Trả phí dịch vụ thanh toán cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; hoàn trả đầy đủ, đúng hạn số tiền thấu chi trên tài khoản thanh toán (nếu có thoả thuận) và tiền lãi tính trên số tiền thấu chi đó theo quy định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

3- Hoàn trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong trường hợp thụ hưởng số tiền không có căn cứ pháp luật thông qua giao dịch thanh toán do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện.

Điều 18. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

1- Trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện giao dịch thanh toán chậm, sai sót do lỗi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam gây thiệt hại cho Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo mức phạt chậm trả tối đa bằng mức lãi suất quá hạn loại cho vay cao nhất tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; số ngày và người thụ hưởng số tiền phạt do Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy định phù hợp với quy định của  pháp luật.

2- Trường hợp Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Ngân hàng Phát triển Việt Nam vi phạm các quy định do Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành, các thoả thuận, cam kết giữa Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, gây thiệt hại thì bên gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 19. Tranh chấp và giải quyết tranh chấp.

1- Trường hợp có khiếu nại hoặc tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ thanh toán và Ngân hàng Phát triển, trước hết các bên liên quan cần giải quyết bằng thoả thuận.

2- Nếu hai bên không thoả thuận được về việc giải quyết tranh chấp thì có thể thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp để xử lý.

3- Trường hợp không thoả thuận được về việc giải quyết tranh chấp và về cơ quan giải quyết tranh chấp, các bên liên quan có thể khởi kiện trước cơ quan pháp luật.

CHƯƠNG V
THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ BẢO MẬT THÔNG TIN

Điều 20. Thông tin.

1- Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nghĩa vụ thông tin định kỳ cho chủ tài khoản về số dư và giao dịch thanh toán trên tài khoản của chủ tài khoản.

2- Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể cung cấp thông tin đột xuất theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Điều 21. Báo cáo.

1- Định kỳ hàng tháng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo về hoạt động thanh toán theo các chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước quy định.

2- Ngoài các báo cáo định kỳ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có nghĩa vụ báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để phục vụ cho các mục tiêu quản lý Nhà nước về hoạt động thanh toán.

Điều 22. Bảo mật thông tin.

Việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi của người sử dụng dịch vụ thanh toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng tài liệu mật trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam và theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VI
VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Xử lý vi phạm.

1- Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính theo quy định của pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Người sử dụng dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam vi phạm có thể bị Ngân hàng Phát triển Việt Nam đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn quyền sử dụng dịch vụ thanh toán.

 

CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 24. Trách nhiệm thi hành.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ thanh toán cho các đơn vị thuộc, trực thuộc và phổ biến cho người sử dụng dịch vụ thanh toán biết.

Ban kiểm soát Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 25. Sửa đổi, bổ sung Quy chế.

Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Đức Kháng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.