• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/09/2003
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Số: 26/2003/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 4 tháng 9 năm 2003

CHỈ THỊ

Về việc nâng cao hiệu quả khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh

______________________

Tiềm năng sa khoáng Titan của tỉnh hiện được đánh giá có trữ lượng khá lớn (khoảng 2,5 triệu tấn Ilmenite) và phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố ven biển, đây là một nguồn nguyên liệu quý, không tái tạo được, có giá trị kinh tế cao đang được thị trường thế giới tiêu thụ mạnh. Thời gian qua, tuy các hoạt động khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh đã đóng góp gia tăng sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh, song hiệu quả khai thác sa khoáng ti tan chưa cao, còn nhiều bất cập. Hiện nay, ngoài 2 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác lâu nay là Công ty BIMAL (liên doanh với Malaysia) và Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định có đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng Ilmenite xuất khẩu, các doanh nghiệp được cấp phép còn lại mức độ đầu tư thiết bị khai thác, chế biến còn hạn chế. Nét chung các doanh nghiệp vẫn chỉ lo xuất thô, chưa quan tâm đến công nghệ chế biến sau titan nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.

Nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo vệ và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển ngành khai thác chế biến sa khoáng titan của tỉnh, bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1- Sở Công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển tiến hành rà soát lại các khu vực khai thác sa khoáng titan theo quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản đến năm 2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt; kiên quyết đình chỉ các điểm khai thác titan không phù hợp quy hoạch. Trước mắt tạm ngừng việc cấp phép hoạt động khai thác sa khoáng titan cho các doanh nghiệp mới đăng ký lần đầu (nếu doanh nghiệp không có dự án chế biến các sản phẩm hậu titan), đặc biệt trong khu vực đã được quy hoạch khai thác đến năm 2010.

2- Sở Công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc chấp hành các quy định theo Giấy phép hoạt động khoáng sản được cấp, rà soát lại quy mô, năng lực khai thác của từng doanh nghiệp để đề xuất việc điều chỉnh cho phù hợp. Theo hướng:

2.1- Các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động khai thác phải bảo đảm tốt các yêu cầu:

- Phải có kế hoạch khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản (khai thác cả loại quặng có hàm lượng Ilmenite nghèo nhỏ hơn 10 kg/m3).

- Có phương án cụ thể về bảo vệ tốt môi trường trong quá trình khai thác, chấp hành tốt các thủ tục thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường, nộp thuế tài nguyên...

- Có kế hoạch thực hiện việc đầu tư thiết bị, công nghệ để bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu đạt tối thiểu: Ilmenite: TiO2 ≥ 50%; Zicon: Zr ≥ 55%; Rutil: TiO2 ≥ 82%; Monasite: ReO ≥ 55% (lưu ý, chất lượng sản phẩm quặng không đạt các chỉ tiêu trên, không được tiến hành xuất khẩu).

2.2- Về lâu dài, không cho phép xuất khẩu thô như hiện nay, các doanh nghiệp cần có kế hoạch sớm triển khai việc lập dự án đầu tư, liên kết đầu tư trong và ngoài nước chế biến các sản phẩm hậu titan (như Pigment, Rutil nhân tạo...) để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu và phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến sa khoáng titan của tỉnh.

Yêu cầu Sở Công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ban liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương triển khai thực hiện và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để chỉ đạo./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Vũ Hoàng Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.