THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 09/1998-CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ màu màng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn mục đích, yêu cầu, nội dung, tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Qua thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần đạt mục đích, yêu cầu:
1. Tuyên truyền, phổ biến cho toàn dân nhận thức được nguy cơ và tác hại của nạn chuột phá hoại mùa màng và môi trường sống xã hội.
2. Tổ chức và huy động mọi lực lượng tham gia diệt chuột đạt hiệu quả cao, bảo vệ được mùa màng và môi trường sinh thái. Khống chế tác hại và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây nên đối với sản xuất nông nghiệp.
3. Bảo vệ và phát triển các loại động vật hoang dã, trước mắt nghiêm cấm ngay việc săn bắt mèo và các loại thiên địch hoang dã của chuột như trăn, rắn, chim cú... để xuất khẩu hoặc làm thực phẩm. Khuyến khích và giúp đỡ nhân dân nuôi mèo trong gia đình để diệt chuột.
-
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền:
Bằng các phương tiện thông tin đại chúng như: các loại báo (nói, hình, viết), tranh áp phích, cổ động... để phổ biến sâu rộng trong toàn dân hiểu rõ tác hại nghiêm trọng của chuột, quán triệt được nội dung ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột, bảo vệ mùa màng; khuyến khích mọi người chủ động, gương mẫu, tích cực phòng trừ chuột.
Tập hợp các tài liệu giới thiệu những kết quả đã nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan tới chuột và biên soạn in ấn dưới hình thức tờ bướm gấp, tranh ảnh đơn giản dễ hiểu để phổ cập tới mọi người.
Thông tin kịp thời các kết quả diệt trừ chuột ở các địa phương, những kinh nghiệm diệt chuột của nông dân, nêu những điển hình tốt về diệt trừ chuột.
2. Tổ chức tập huấn:
Tập huấn cho cán bộ BVTV cấp tỉnh những kiến thức cơ bản về chuột hại, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển của chuột, phương pháp điều tra, phương pháp đánh giá tác hại và các biện pháp diệt trừ chuột có hiệu quả.
Thông qua các lớp huấn luyện nông dân và IPM, câu lạc bộ IPM và các hình thức tổ chức khác tập huấn cho nông dân các kiến thức cơ bản về chuột hại.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có chương trình và kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục vận động giáo viên sinh vật của nhà trường tiến hành ngoại khoá cho học sinh các trường phổ thông hiểu về loài chuột và tác hại của chuột, các biện pháp đánh bắt chuột thủ công có hiệu quả.
3. Điều tra, giám sát đồng ruộng:
Cán bộ của Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành điều tra định kỳ về chuột trên đồng ruộng, tổng hợp tình hình gây hại, phân bố, các biện pháp đã xử lý, các vấn đề cần giải quyết tiếp; các số liệu này được đưa vào thông báo sâu bệnh chung định kỳ 5 ngày/lần.
Hướng dẫn nông dân - những người trực tiếp sản xuất, thường xuyên hàng ngày, hàng tuần theo dõi, kiểm tra đồng ruộng trong các vụ sản xuất để phát hiện kịp thời về chuột, có ý thức trong việc tìm biện pháp phòng trừ và thông tin ngay cho cơ quan bảo vệ thực vật.
4. Tổ chức các đợt diệt trừ chuột:
Căn cứ nội dung Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đoàn thể (Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân...), các lực lượng vũ trang, các trường phổ thông cơ sở tổ chức các chiến dịch diệt trừ chuột. Thời điểm diệt trừ chuột nên tập trung vào:
Giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (tốt nhất ở thời kỳ đổ ải, làm đất).
Giữa vụ gieo trồng (cây lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh).
Trong các trận lũ lụt, chuột còn đang sống co cụm.
Trong năm 1998, tuỳ theo tình hình cụ thể, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành từ 3 - 5 đợt chiến dịch diệt chuột, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày.
Nghiên cứu, khảo sát, ứng dụng các biện pháp diệt trừ chuột:
Viện BVTV, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai các đề tài nghiên cứu bổ sung về chuột (khả năng di cư và du nhập của chuột) giữa các vụ ở các vùng sinh thái khác nhau, các biện pháp phòng trừ chuột. Mở rộng việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trừ chuột sinh học cho các tỉnh và nghiên cứu các kỹ thuật đảm bảo chất lượng, thời gian sử dụng, giá thành hợp lý...
Cục Bảo vệ thực vật triển khai một số đề tài nghiên cứu và khảo sát về đánh giá tác hại của chuột và các biện pháp trừ chuột, xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp chuột hại lúa.
Các Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nghiên cứu ứng dụng, khảo sát nhanh các biện pháp phòng trừ, trong đó đặc biệt lưu ý các biện pháp thủ công, những kinh nghiệm dân gian.
6. Khuyến khích và khôi phục nuôi mèo trong dân, bảo vệ và phát triển các loại thiên địch của chuột trong tự nhiên:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố:
Ra văn bản xác định chính sách, biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nhân dân bảo vệ và nuôi mèo (kể cả nông thôn và thành thị).
Tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo; xử lý nghiêm các đối tượng bắt, vận chuyển và bán mèo qua biên giới và cho các quán ăn.
Kịp thời kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị 359/TTg ngày 25 tháng 9 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng và các văn bản có liên quan đến việc diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng.
Các cơ quan kiểm lâm xây dựng phương án, chính sách bảo vệ và phát triển các loài thiên địch tự nhiên hoang dã của chuột như trăn, rắn, chim cú... trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tăng cường kiểm tra xoá bỏ các quán ăn thịt trăn, rắn săn bắt trong tự nhiên ở địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ở Trung ương:
a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Thành lập Ban chỉ đạo diệt trừ chuột của Bộ gồm 5 thành viên do đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng ban, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật là Phó ban và 3 uỷ viên khác của các đơn vị có liên quan tham gia. Chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động sẽ được ghi trong quyết định của Bộ về thành lập Ban chỉ đạo này.
b. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giao cho đơn vị sau đây thực hiện cụ thể các phần việc:
Cục BVTV:
Giúp Bộ trực tiếp theo dõi việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ bao gồm:
Liên hệ, trao đổi, đôn đốc các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện phần việc được Bộ giao và thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, giúp địa phương chỉ đạo diệt trừ chuột đạt hiệu quả.
Giao cho Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, các Trạm KDTV ở cửa khẩu phối hợp với các Trạm Kiểm dịch động vật và các cơ quan hữu quan ở cửa khẩu kiểm soát, ngăn chặn việc xuất khẩu mèo và các loại thiên địch của chuột săn bắn từ thiên nhiên.
Giao các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng thuộc Cục tiến hành khảo sát, ứng dụng nhanh một số biện pháp diệt trừ chuột và phương pháp điều tra, đánh giá tác hại của chuột.
Xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức bốn lớp tập huấn cho cán bộ BVTV của các chi cục BVTV tỉnh, thành phố và phải hoàn thành trong quý 2/1998.
Biên tập băng hình và biên soạn tài liệu dưới các hình thức khác nhau (tờ bướm gấp, tranh treo tường...) để giới thiệu đặc tính sinh học, tác hại của chuột và hướng dẫn biện pháp diệt trừ chuột có hiệu quả cao, an toàn cho người, động vật và môi trường. Công việc chuẩn bị được triển khai trong tháng 3, tháng 4, tháng 5 và hoàn thành trong quý 2 (tài liệu, tranh) và đầu quý 3/1998 (băng hình).
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về tác hại của chuột, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng sinh thái và làm gia tăng mật độ chuột, biện pháp diệt trừ chuột trước mắt và lâu dài.
Vào ngày 20 hàng tháng tập hợp tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức 3 hội nghị tổng kết ở 3 vùng (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) vào quý 4/1998 và hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam vào tháng 3/1999.
Viện BVTV:
Sản xuất bả diệt chuột sinh học đảm bảo chất lượng, cung ứng kịp thời cho các địa phương.
Giám sát chất lượng bả diệt chuột sinh học tại Vĩnh Phúc, Thái Bình, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất cho Hải Phòng, Hà Tây vào tháng 4/1998, chuẩn bị cơ sở vật chất để chuyển giao cho Nghệ An, Quảng Ninh... vào các tháng tiếp theo.
Bằng nguồn kinh phí xin Nhà nước cấp trong năm 1998, 1999 tiến hành các nghiên cứu về: cấu trúc thành phần loài; sự sinh sản của chuột; sự biến động quần thể và di cư của chuột sau khi thu hoạch lúa; sự du nhập (xuất hiện) của chuột trên đồng ruộng ở mỗi vụ sản xuất (phía Bắc); phương pháp điều tra phát hiện, tính toán số lượng chuột trên đồng ruộng và phương pháp đánh giá thiệt hại của chuột để có thể ứng dụng trong phương pháp điều tra phát hiện sâu bệnh định kỳ của hệ thống BVTV ở địa phương.
Hướng dẫn các địa phương ứng dụng những kết quả nghiên cứu của Viện về chuột.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam:
Sản xuất thuốc diệt chuột sinh học Miroca đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của các địa phương.
Tham gia đề tài KH 02-07 "Nghiên cứu và áp dụng công nghệ vi sinh trong công tác bảo vệ thực vật". Thực hiện đề tài này, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu về thành phần loài chuột theo các vùng sinh thái, đặc điểm gây hại của chuột theo các mùa vụ, đặc điểm sinh thái của chuột.
Thông báo kết quả nghiên cứu, những tư liệu về kết quả ứng dụng nghiên cứu cho Cục BVTV để cùng tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát.
Mở rộng hợp tác với Hungary, Nga để tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm mới để phát triển chương trình diệt chuột sinh học trong toàn quốc.
Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chế phẩm diệt chuột sinh học Miroca, phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm chuyển giao nhanh nhất tiến bộ kỹ thuật này cho sản xuất.
Giúp các địa phương xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm Miroca tại các địa phương.
Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam:
Chuyển giao, hướng dẫn các địa phương ứng dụng những kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước và việc đã tiến hành trong những năm qua.
Cục Kiểm lâm:
Có kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 và tiếp tục triển khai, phổ biến, hướng dẫn nội dung Chỉ thị 359/TTg ngày 29 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã.
Đề xuất chính sách và hướng dẫn, khuyến khích các tập thể và cá nhân mở rộng cơ sở nuôi các loài trăn, rắn vừa làm kinh tế vừa bảo tồn, phát triển các loài thiên địch của chuột.
Xây dựng và in ấn băng hình, tài liệu hướng dẫn về bảo vệ các loại sinh vật có ích trong tự nhiên (trăn, rắn, chim cú...) giúp con người diệt chuột.
Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong việc cung cấp thông tin, tư liệu để xây dựng các băng hình, các tài liệu phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ở địa phương:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra Chỉ thị diệt trừ chuột và thành lập Ban chỉ đạo diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng ở cấp tỉnh, thành và giúp UBND tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này. Tiến hành sơ kết các chiến dịch diệt chuột vào cuối các quý 2, 3, 4/1998 và tổng kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Chính phủ vào tháng 2/1999 và gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp - PTNN sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết.
Các Chi cục BVTV thực hiện một số công việc sau:
Xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị về diệt trừ chuột của UBND tỉnh, thành.
Xác định cụ thể thời gian phát động chiến dịch toàn dân diệt chuột.
Đề xuất các chính sách hỗ trợ công tác diệt chuột, đặc biệt là việc bảo vệ và phát triển nuôi mèo ở địa phương (cần có kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu để đến tháng 3/1999 đạt bình quân 5% số hộ nông dân trong tỉnh nuôi từ 1 - 2 con mèo).
Ứng dụng thí điểm biện pháp diệt chuột bằng bẫy cây trồng (TBS).
Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác diệt chuột.
Cùng các ngành liên quan tiến hành thanh tra việc thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của UBND tỉnh, thành.
Báo cáo định kỳ 15 ngày/lần (vào ngày 1 và 16 hàng tháng) cho Cục Bảo vệ thực vật về tình hình triển khai và kết quả diệt trừ chuột.
3. Phối hợp thực hiện:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp (Công an, Hải quan, Thanh tra, Quản lý thị trường, Môi trường, Y tế...) từ Trung ương tới địa phương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép các loại thiên địch tự nhiên của chuột và hướng dẫn xử lý xác chuột đánh bắt được để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với mèo và các loại thiên địch có trong tự nhiên của chuột do buôn bán bất hợp pháp thu được qua kiểm tra phải giao cho cơ quan chức năng thả trở lại môi trường sống của chúng.
IV. KINH PHÍ:
1. Ở Trung ương:
Để có thể triển khai tốt nội dung Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg ngày 18 tháng 2 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính duyệt cấp kinh phí cho các đơn vị Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam để tiến hành nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tập huấn về chuột hại mùa màng trong năm 1998. Riêng với Cục Bảo vệ thực vật kinh phí chi cho việc triển khai thực hiện Chỉ thị 09/1998/CT-TTg và Thông tư hướng dẫn đề nghị được trích trong phí và lệ phí thu được của Cục năm 1998.
2. Ở địa phương:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch kinh phí trình UBND tỉnh, thành phê duyệt và cấp kinh phí cho hoạt động diệt chuột ở địa phương theo nội dung Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này thay thế các văn bản số 1039/BNN-BVTV ngày 2 tháng 3 năm 1998 và số 1203/BNN-BVTV ngày 14 tháng 3 năm 1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây. Trong quá trình thực hiện các địa phương và đơn vị nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết./.