• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/10/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2011
BỘ Y TẾ
Số: 13/BYT-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 21 tháng 10 năm 1996

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp

________________________________

Căn cứ Chương IX Bộ luật lao động và Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về an toàn lao động và vệ sinh lao động, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

- Các cơ sở sản xuất có sử dụng người lao động bao gồm: Các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tập thể, tư nhân cơ thuê mướn người lao động, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có thuê mướn lao động là người Việt Nam.

- Các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, kể cả các doanh nghiệp của các lực lượng vũ trang.

II. QUẢN LÝ VỆ SINH LAO ĐỘNG:

2.1. Vệ sinh lao động:

2.1.1. Vệ sinh lao động bao gồm: các yếu tố vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ), các yếu tố vật lý (ánh sáng, tiếng ồn, rung, phóng xạ, điện từ trường...), bụi và các yếu tố hoá học, các yếu tố tâm sinh lý lao động, các vi sinh vật gây bệnh và các yếu tố khác trong phạm vi đất đai đơn vị sử dụng.

2.1.2. Người chủ sử dụng lao động phải có sự hiểu biết về các yếu tố tác hại của môi trường lao động, các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biệt pháp phòng chống trong quá trình lao động và tổ chức cho người lao động học tập các kiến thức đó.

2.1.3. Các đơn vị sử dụng lao động phải tổ chức đo đạc các yếu tố trong môi trường lao động ít nhất một năm một lần. Khi các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo Quyết định 505 BYT/QĐ ngày 13/4/1992 của Bộ Y tế thì phải có biện pháp khắc phục ngay hoặc nếu thấy có khả năng xảy ra sự cố bất thường gây nguy cơ đến sức khoẻ và tính mạng của người lao động thì phải ngừng ngay hoạt động và báo cáo cho cơ quan có trách nhiệm để kiểm tra và xử lý kịp thời.

2.1.4. Việc đo đạc các yếu tố độc hại trong lao động phải do các đơn vị kỹ thuật về vệ sinh lao động của ngành y tế thực hiện. Các Bộ, ngành sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước có đủ điều kiện được Bộ Y tế chấp thuận thì mới được đo đạc tại các cơ sở theo yêu cầu với sự tham gia giám sát của Sở Y tế địa phương.

2.1.5. Chi phí cho việc đo đạc các yếu tố độc hại trong lao động do người sử dụng lao động chịu.

2.1.6. Có đủ hồ sơ lưu giữ và theo dõi kết quả đo đạc theo đúng quy định của Bộ Y tế ít nhất 10 năm sau khi dây chuyền sản xuất liên quan không còn sử dụng (Mẫu số 1 và Mẫu số 2).

2.2. Luận chứng về các biện pháp bảo đảm vệ sinh lao động:

2.2.1. Khi xây dựng mới, cải tạo các công trình, cơ sở sản xuất, chủ đầu tư phải có luận chứng về các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn lao động về địa điểm, quy mô, khoảng cách từ công trình cơ sở đến khu dân cư và các công trình khác theo quy định của Bộ Y tế.

Phải có các giải pháp xử lý, phòng ngừa để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép tại nơi làm việc và môi trường xung quanh.

2.2.2. Căn cứ vào danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động do Bộ Y tế ban hành thì người sử dụng lao động phải có luận chứng và giải pháp đảm bảo vệ sinh lao động được Thanh tra Bộ Y tế (Thanh tra vệ sinh) xét duyệt (theo mẫu hướng dẫn của Thanh tra vệ sinh).

2.2.3. Thời gian xét duyệt luận chứng là 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ lên Thanh tra Bộ Y tế. Sau 15 ngày, nếu chưa có văn bản trả lời coi như được chấp thuật thực hiện.

2.2.4. Chi phí xét duyệt luận chứng về biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động do đơn vị chịu.

III. QUẢN LÝ SỨC KHOẺ NGƯỜI LAO ĐỘNG,BỆNH NGHỀ NGHIỆP.

3.1. Cấp cứu tai nạn lao động:

3.1.1. Nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm dễ gây tai nạn lao động người sử dụng lao động phải trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật y tế thích hợp đặt tại chỗ để cấp cứu kịp thời như: thuốc cấp cứu, thuốc giải độc, phác đồ cấp cứu, bông, băng, gạc, kéo, kẹp Kose, hộp đựng dụng vụ, ga rô, cáng thương, mặt nạ phòng độc, xe để cấp cứu...

3.1.2. Phải có phương án xử lý cấp cứu dự phòng các sự cố có thể xảy ra được cơ quan y tế địa phương chấp thuận như: cấp cứu nhiễm độc hoá chất, cấp cứu điện giật, cấp cứu vết thương, cấp cứu ngừng tim, ngừng hô hấp, cầm máu tạm thời, bất động gãy xương, cấp cứu bỏng do nhiệt, do hoá chất...

3.1.3. Phải tổ chức lực lượng cấp cứu. Người sử dụng lao động phải tổ chức luyện tập cho lực lượng cấp cứu và người lao động các phương pháp cấp cứu tại chỗ theo hướng dẫn của y tế.

3.1.4. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu tại chỗ cho người bị tai nạn lao động, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

3.1.5. Hồ sơ cấp cứu phải ghi chép đầy đủ ngay theo đúng quy định của Bộ Y tế (Mẫu số 3) và lưu trữ ít nhất cho đến khi người lao động thôi việc hoặc khi chuyển đến đơn vị khác. Khi đó phải bàn giao hồ sơ cho đơn vị mới mà người lao động đến làm việc.

3.1.6. Người bị tai nạn lao động sau khi điều trị ổn định hoặc khi tái phát phải được Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ.

3.2. Quản lý sức khoẻ người lao động.

3.2.1. Người lao động phải được khám sức khoẻ khi tuyển dụng. Người sử dụng lao động không được nhận người không có giấy chứng nhận sức khoẻ vào làm việc. Căn cứ kết quả khám sức khoẻ, y tế cơ sở đề xuất với người sử dụng lao động sắp xếp công việc cho phù hợp.

3.2.2. Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề. Đối với các đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại phải tổ chức khám sức khoẻ 6 tháng 1 lần. Phải có hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân và hồ sơ theo dõi tổng hợp theo quy định của Bộ Y tế (Mẫu số 4). Những người lao động có sức khoẻ loại IV và V và bị các bệnh mãn tính phải được theo dõi, điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng và sắp xếp công việc phù hợp.

3.2.3. Khám tuyển, khám sức khoẻ định kỳ do đơn vị y tế Nhà nước từ tuyến quận, huyện và các Trung tâm y tế lao động ngành, tương đương trở lên thực hiện. Cơ sở y tế của các đơn vị sử dụng lao động nếu có đủ các chuyên khoa khoa thì có thể tự tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động của đơn vị mình.

3.2.4. Thời gian khám sức khoẻ định kỳ được tính là thời gian làm việc và được hưởng nguyên lương và các quyền lợi khác theo luật pháp quy định. Riêng người lao động học nghề, tập nghề, thử việc thì quyền lợi trong thời gian khám sức khoẻ thực hiện theo hợp đồng lao động đã thoả thuận.

3.3. Quản lý bệnh nghề nghiệp:

3.3.1. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

3.3.2. Người làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.

3.3.3. Việc khám bệnh nghề nghiệp do đơn vị y tế chuyên khoa vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp nhà nước từ cấp tỉnh/thành phố, ngành trở lên thực hiện. Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp tối thiểu bao gồm: Phiếu khám sức khoẻ khi tuyển dụng, phiếu khám sức khoẻ định kỳ, các kết quả xét nghiệm (nếu có), kết quả đo môi trường lao động tại nơi làm việc hàng năm.

3.3.4. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được Hội đồng Giám định Y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và phải được sắp xếp phù hợp với sức khoẻ. Không bố trí người bị bệnh nghề nghiệp nặng, bệnh tiến triển nhanh, lao động trong điều kiện đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm việc ở môi trường cũ.

3.3.5. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị theo đúng chuyên khoa, được điều dưỡng và kiểm tra sức khoẻ 6 tháng 1 lần, có hồ sơ quản lý riêng theo quy định của Bộ Y tế và được lưu giữ suốt đời (Mẫu số 5).

3.4. Chi phí y tế.

Chi phí cho việc cấp cứu tai nạn lao động, khám tuyển, khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động chịu theo các quy định hiện hành.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO.

4.1. Người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Y tế địa phương những nội dung trên theo định kỳ từng quý, 6 tháng, một năm (Mẫu số 6). Trong kế hoạch phải ghi rõ: giám sát từng yếu tố độc hại trong môi trường lao động, số lượng khám sức khoẻ định kỳ, đối tượng khám bệnh nghề nghiệp, chế độ tập huấn vệ sinh lao động, thời gian thực hiện và các biện pháp giải quyết...

4.2. Các Sở Y tế, Bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quý, 6 tháng, một năm về Bộ Y tế (Vụ vệ sinh phòng dịch).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch, Vụ Điều trị, Phó chánh Thanh tra Bộ phụ trách Thanh tra vệ sinh chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai việc thực hiện Thông tư này.

5.2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp của tất cả mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động đóng trên địa bàn địa phương.

5.3. Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Giám định Y khoa Trung ương, các Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực có trách nhiệm cùng phối hợp với các Vụ chức năng của Bộ Y tế thực hiện việc kiểm tra vệ sinh lao động, đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật về vệ sinh lao dộng và bệnh nghề nghiệp, xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh lao động, tiêu chuẩn sức khoẻ khám tuyển, khám định kỳ, danh mục bệnh nghề nghiệp cho phù hợp với nền kinh tế hiện nay.

5.4. Trung tâm Vệ sinh phòng dịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm y tế lao động các Bộ, ngành là các đơn vị chuyên môn kỹ thuật về vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm giúp các Sở, các Bộ, ngành trong việc kiểm tra môi trường, điều kiện lao động, khám sức khoẻ cho các đối tượng nặng nhọc độc hại, phát hiện bệnh nghề nghiệp, huấn luyện, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ và đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức, tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế cơ sở và người lao động.

5.5. Các Bộ, ngành, các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các đơn vị thực hiện đúng quy định của Nhà nước theo phạm vi chức năng quản lý của mình.

5.6. Y tế cơ sở của các đơn vị có sử dụng lao động phải thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động và tham mưu cho người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn lao động. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các địa phương, Bộ, ngành, phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Vệ sinh phòng dịch) để nghiên cứu, giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thưởng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.