THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC LIÊN BỘ SỐ 3-TC/KHKT NGÀY 28 THÁNG 1 NĂM 1984 HƯỚNG DẪN
CHẾ ĐỘ TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ TRONG CÁC CƠ QUAN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ TRIỂN KHAI KỸ THUẬT
Thực hiện Nghị quyết số 51-HĐBT ngày 17-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc cho các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật thực hiện chế độ hạch toán kinh tế và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu - triển khai được thành lập các quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng, liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn việc lập và sử dụng các quỹ nói trên như sau:
I. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC LẬP CÁC QUỸ
Việc lập và sử dụng các quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng nhằm những mục đích sau:
1. Thúc đẩy và khuyến khích các cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật từng bước áp dụng và hoàn thiện chế độ hạch toán kinh tế phù hợp với đặc điểm hoạt động khoa học kỹ thuật để không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế của công tác nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
2. Thực hiện việc khuyến khích bằng lợi ích vật chất nhằm động viên cán bộ khoa học - kỹ thuật phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRÍCH LẬP QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - KỸ THUẬT, QUỸ PHÚC LỢI VÀ QUỸ KHEN THƯỞNG
Chế độ trích lập các quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng được áp dụng cho các đối tượng dưới đây:
1. Các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật cấp viện hoặc cơ quan tương đương cấp viện có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là cơ quan nghiên cứu và triển khai) thực hiện chế độ hạch toán kinh tế.
2. Các cơ quan nghiên cứu và triển khai chưa thực hiện chế độ hạch toán kinh tế chỉ được trích lập 3 quỹ từ các nguồn sau:
- Thu nhập do thực hiện các hợp đồng kinh tế đem lại (Quy định ở phần V. Thông tư liên Bộ số 1438-KHKT/TC ngày 19-11-1983 của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước - Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 175-CP ngày 29-4-1981 của Hội đồng Chính phủ về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật).
- Thu nhập do bán sản phẩm sản xuất thử, phế liệu phế phẩm thu hồi và các dịch vụ khoa học - kỹ thuật.
III. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TRÍCH LẬP CÁC QUỸ
1. Đối với các cơ quan thực hiện chế độ hạch toán kinh tế:
a. Có kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật và kế hoạch tài chính được cơ quan có thẩm quyền duyệt.
b. Có vốn pháp định (vốn cố định và vốn lưu động).
c. Có định mức kinh tế kỹ thuật.
d. Tổ chức được việc đánh giá và nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học và triển khai theo chế độ quy định.
đ. Giá cả sản phẩm được cấp có thẩm quyền duyệt.
e. Có doanh thu để tự trang trải chi phí.
g. Có chế độ kết toán phù hợp với đòi hỏi của hạch toán kinh tế.
Những điều kiện nói trên là yêu cầu tối thiểu để tổ chức công tác hạch toán kinh tế trong các cơ quan nghiên cứu và triển khai trong những năm tới. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ cùng nhau nghiên cứu xây dựng để ban hành chế độ hạch toán kinh tế ứng dụng trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
2. Đối với các cơ quan chưa thực hiện chế độ hạch toán kinh tế:
a. Có kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật và kế hoạch tài chính được cơ quan có thẩm quyền duyệt.
b. Lập dự toán chi phí theo các định mức tiêu chuẩn chi tiêu do Nhà nước quy định.
Có kế hoạch và biện pháp tiết kiệm chi, cố gắng khai thác nguồn thu để có điều kiện tăng chi và tạo thêm nguồn tài chính để trích lập 3 quỹ.
c. Thực hiện đầy đủ các quy định về kế hoạch hoá khoa học kỹ thuật, chế độ đăng ký đề tài và nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật và các chế độ lập dự toán, kế toán thống kê và quyết toán thu chi.
d. Thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật giá cả và hệ thống giá cả của Nhà nước. Đối với những sản phẩm, các dịch vụ chưa hoặc không có trong khung giá của Nhà nước thì phải được cơ quan chủ quản duyệt sau khi thoả thuận với cơ quan giá cả và tài chính cùng cấp (theo quy định tại mục V, điểm 4B Thông tư liên Bộ Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước - Tài chính số 1438-KHKT/TC ngày 19-11-1983).
đ. Nộp đầy đủ các khoản nộp (nếu có) vào ngân sách Nhà nước.
IV. NGUỒN TÀI CHÍNH ĐỂ TRÍCH LẬP 3 QUỸ
1. Đối với các cơ quan thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, nguồn tài chính để trích lập 3 quỹ là lợi nhuận thực hiện được sau khi đã làm xong nhiệm vụ nộp ngân sách Nhà nước.
2. Đối với các cơ quan chưa thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, nguồn tài chính để trích lập 3 quỹ là:
a. Thu nhập do ký hợp đồng kinh tế với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai kỹ thuật theo Thông tư liên Bộ số 1438-KHKT/TC ngày 19-10-1983.
b. Thu nhập của một phần giá trị sau khi đã làm nghĩa vụ với ngân sách (nếu có) của các sản phẩm sản xuất thử, phế liệu phế phẩm thu hồi.
V. CĂN CỨ ĐỂ ĐƯỢC TRÍCH LẬP 3 QUỸ VÀ MỨC TRÍCH
LẬP CÁC QUỸ
A. Căn cứ để được trích lập:
1. Hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật hàng năm được cấp có thẩm quyền trực tiếp giao, bao gồm:
a. Các đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế thử và áp dụng vào sản xuất thuộc các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước hoặc của Bộ, do cơ quan chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu với các đơn vị khác.
b. Các đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế thử và áp dụng vào sản xuất do cơ quan tự xây dựng trên cơ sở ký hợp đồng kinh tế với khách hàng, được cơ quan quản lý cấp trên duyệt.
c. Các dịch vụ khoa học - kỹ thuật trên cơ sở tận dụng thiết bị, lao động sẵn có của đơn vị như sửa chữa, bảo dưỡng lắp đặt, vận hành thiết bị, khai thác chế biến nguyên vật liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, gia công chỉnh lý số liệu, hoàn chỉnh thiết kế, thí nghiệm, chế tạo mẫu...
Việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật phải căn cứ vào những đề tài đã được đăng ký, các báo cáo kết quả nghiên cứu biên bản, đánh giá và nghiệm thu các công trình khoa học kỹ thuật (theo quy định tại Quyết định số 282-QĐ ngày 20-6-1980 của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước).
Nguyên tắc là có hoàn thành kế hoạch Nhà nước mới được trích lập các quỹ. Nếu không hoàn thành kế hoạch Nhà nước mà không có lý do chính đáng, nhất là các đề tài nghiên cứu - triển khai thuộc chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước, thì không được khen thưởng.
2. Thực hiện chế độ lập dự toán và quyết toán thu chi theo từng đề tài, từng hợp đồng nghiên cứu, thiết kế, chế thử và các dịch vụ khoa học kỹ thuật. Sử dụng đúng mục đích dự toán chi đã được duyệt, thực hiện chi tiêu tiết kiệm, phù hợp với tiến độ thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
3. Thực hiện đầy đủ và đúng hạn việc thu nộp các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo chế độ Nhà nước quy định.
B. Mức trích lập các quỹ.
1. Lợi nhuận thu được do thực hiện các loại hình hợp đồng với khách hàng và số tiền chênh lệch thu lớn hơn chi do tổ chức sản xuất phụ (nếu có) đem lại được phân phối như sau:
a. 20% nộp ngân sách Nhà nước,
b. 30% cho quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật,
c. 30% cho quỹ khen thưởng,
d. 20% cho quỹ phúc lợi.
2. Số tiền thu được do bán sản phẩm chế thử, thu về bán phế liệu, phế phẩm trong nghiên cứu triển khai (không kể nguyên vật liệu không sử dụng đến phải thu hồi theo chế độ quy định) được phân phối như sau:
a. 20% nộp ngân sách Nhà nước,
b. 30% nộp quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ, Tổng cục.
c. 50% để bổ sung cho 3 quỹ theo tỷ lệ:
40% cho quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật,
40% cho quỹ khen thưởng,
20% cho quỹ phúc lợi.
3. Đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật thực hiện đề tài trọng điểm của Nhà nước và của Bộ nếu không có nguồn thu hoặc nguồn thu nhập không đủ để trích tiền thưởng theo mức được trích 18% thì được cấp cho đủ 18% tổng quỹ lương thực hiện cả năm để làm quỹ khen thưởng.
4. Mức khống chế tương đối của quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Để bảo đảm quan hệ hợp lý về chế độ tiền thưởng của Nhà nước, mức khống chế tương đối của quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi quy định như sau:
Nếu quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trong cả năm của đơn vị được trích theo các mức nói trên cộng lại mà mỗi quỹ vượt quá 6 tháng lương thực hiện bình quân trong năm của công nhân viên chức trong danh sách của đơn vị, thì số vượt quá 6 tháng lương (kể từ tháng thứ 7 trở đi) được phân phối như sau:
a. 50% nộp ngân sách Nhà nước.
b. 20% nộp quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ, Tổng cục.
c. 30% để bổ sung 3 quỹ theo tỷ lệ:
60% cho quỹ khen thưởng,
20% cho quỹ phúc lợi,
20% cho quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật.
5. Các quỹ nói trên được gửi vào một tài khoản riêng ở ngân hàng, số kết dư hàng năm được chuyển sang năm sau.
VI. MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CÁC QUỸ
1. Quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật được dùng vào những công việc sau đây:
- Chế tạo, đổi mới, xây dựng bổ sung những máy móc thiết bị hoặc công trình phục vụ trực tiếp cho công tác nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật và tăng cường công tác quản lý.
- Mua sắm thêm máy móc, thiết bị, tu sửa cơ sở thực nghiệm, xây dựng các công trình nhằm chế thử sản phẩm mới và sản xuất phụ, cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ an toàn lao động.
Quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật thuộc quyền sử dụng của các cơ quan nghiên cứu và triển khai, có thể sử dụng để thực hiện các hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật. Hàng năm các cơ quan này phải lập kế hoạch và dự toán sử dụng quỹ nhằm tăng thêm cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật của cơ quan.
2. Quỹ khen thưởng dùng để khen thưởng cho cán bộ công nhân viên chức có thành tích trong việc hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật. Nguyên tắc phân phối tiền thưởng là dựa vào kết quả lao động cuối cùng của mỗi công nhân viên chức đã đóng góp vào thành quả chung của cơ quan trong năm kế hoạch.
3. Quỹ phúc lợi dùng để trả tiền thưởng cho công nhân viên chức nhà ăn, nhà trẻ, bệnh xá theo chế độ chung, cải thiện điều kiện sinh hoạt và chăm lo sức khoẻ cho công nhân viên chức của cơ quan và các nhu cầu khác theo hướng dẫn về sử dụng quỹ phúc lợi của Tổng Công đoàn Việt Nam.
Việc phân phối và sử dụng cụ thể quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi thực hiện theo chế độ hiện hành áp dụng cho các đơn vị sản xuất kinh doanh hạch toán kinh tế.
VII. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Hàng năm, căn cứ vào sự hướng dẫn của Tổng cục Thống kê và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước về công tác xét duyệt hoàn thành kế hoạch đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, các cơ quan chủ quản cấp trên thành lập hội đồng xét duyệt hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu và triển khai trực thuộc. Thành phần hội đồng gồm đại diện của cơ quan quản lý khoa học kỹ thuật, thống kê, kế hoạch, tài chính và ngân hàng cùng cấp. Căn cứ vào mức độ hoàn thành kế hoạch khoa học kỹ thuật để quyết định mức trích lập các quỹ, nếu đơn vị hoàn thành kế hoạch thì được trích lập quỹ theo các mức cơ bản quy định; nếu do khách quan không hoàn thành kế hoạch thì các quỹ chỉ được trích theo mức độ thực hiện kế hoạch.
2. Kết thúc năm kế hoạch, các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật phải lập báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm theo các chỉ tiêu quy định của Nhà nước. Trên cơ sở báo cáo của cơ quan nghiên cứu và triển khai, cơ quan chủ quản cấp trên lập phương án xét duyệt việc hoàn thành kế hoạch khoa học và kỹ thuật và tạm duyệt cho các cơ quan nghiên cứu và triển khai được trích lập các quỹ (có sự thoả thuận của cơ quan tài chính, thống kê và quản lý khoa học và kỹ thuật cùng cấp).
Sau khi tạm duyệt các quỹ, cơ quan chủ quản thông báo cho cơ quan nghiên cứu và triển khai được tạm trích 75% số được duyệt để trả thưởng.
Đến đầu năm sau, khi có quyết toán chính thức, cơ quan chủ quản cấp trên (sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp) duyệt chính thức chi các quỹ cùng với việc duyệt quyết toán của cơ quan nghiên cứu và triển khai.
Căn cứ vào mức trích các quỹ được duyệt, tiến hành việc thanh toán số đã tạm trích, nếu còn thiếu được trích thêm, nếu thừa phải nộp trả lại ngân sách Nhà nước hoặc trừ vào số trích của năm sau.
3. Trong quá trình thực hiện kế hoạch nếu cơ quan nghiên cứu và triển khai vi phạm các chế độ chính sách quản lý khoa học - kỹ thuật, các chế độ quản lý kinh tế - tài chính của Nhà nước quy định dưới đây thì cứ mỗi vi phạm tuỳ theo mức độ, bị giảm từ 2 đến 3% số tiền trích cho các quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi:
- Vi phạm các chế độ quản lý khoa học - kỹ thuật (chế độ kế hoạch hoá khoa học và kỹ thuật, quản lý các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đăng ký Nhà nước...).
- Làm thiệt hại tài sản, vật tư, tiền vốn của Nhà nước.
- Vi phạm kỷ luật và chế độ chi tiêu tài chính.
- Vi phạm chế độ báo cáo kế hoạch, báo cáo thống kê kế toán và thu nộp ngân sách.
- Để xảy ra tai nạn chết người do khuyết điểm chủ quan của đơn vị.
4. Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp có đủ điều kiện thực hiện theo Thông tư này thì không áp dụng Thông tư liên Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp - tài chính số 24-TT/LB ngày 16-12-1980.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có thể cho phép các cơ quan nghiên cứu và triển khai thuộc địa phương được vận dụng các quy định tại Thông tư này. Các văn bản vận dụng trước khi ban hành cần có sự thoả thuận của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và áp dụng vào việc trích lập các quỹ trong các cơ quan nghiên cứu và triển khai năm 1983. Các cơ quan nghiên cứu và triển khai đã áp dụng chế độ trích lập 3 quỹ theo Thông tư này thì không áp dụng chế độ tiền thưởng hoàn thành kế hoạch công tác cuối năm (10% quỹ lương) theo Quyết định số 198-HĐBT ngày 15-12-1985 của Hội đồng Bộ trưởng. Riêng năm 1983, những cơ quan nào đã trích 10% tiền thưởng theo Quyết định số 198-HĐBT thì được trích bổ sung thêm 8% cho đủ 18% quỹ tiền lương phần kế hoạch đề tài của Nhà nước và của Bộ. Những cơ quan nào trích quá 6 tháng lương, phải nộp lại số tiền đã tính quá theo quy định ở điểm 4, mục B, phần V của Thông tư này. Những quy định của các ngành, các cấp về chế độ tiền thưởng, phân phối các quỹ trong các cơ quan khoa học kỹ thuật từ trước đến nay trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Hàng năm, khi hướng dẫn việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nếu cần thiết liên Bộ sẽ có hướng dẫn sửa đổi bổ sung thêm chế độ cho phù hợp với tình hình hoạt động của công tác khoa học và kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các ngành, các cơ quan khoa học kỹ thuật phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.