THÔNG TƯ
Hướng dẫn phân cấp về công tác quản lý kỹ thuật an toàn điện
____________________________
Căn cứ Nghị định số 74/CP của Chính phủ ngày 1/11/1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 119/CP-TCCB ngày 14/11/1995 của Bộ Công nghiệp về thành lập Cục Kiểm tra giám sát KTAT công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 852/TTg ngày 25/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và giải thể một số Sở trực thuộc Uỷ ban Nhân dân các Tỉnh và các Thành phố trực thuộc Trung ương. Và Thông tư số 01/TT-TCCB ngày 6/2/1996 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn chuyển giao chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về điện cho các Sở Công nghiệp;
Căn cứ Thông tư liên Bộ số 18/LB-TT ngày 29/6/1996, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Sở Công nghiệp các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Công nghiệp hướng dẫn phân cấp trách nhiệm, và quan hệ về công tác kỹ thuật an toàn điện như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Cục Kiểm tra GSKTATCN là cơ quan của Bộ Công nghiệp giúp Bộ Công nghiệp làm chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp trong các ngành sản xuất do Bộ Công nghiệp quản lý, bao gồm: Cơ khí, Luyện kim, Điện, Điện tử-Tin học, Hóa chất, Địa chất, Tài nguyên khoáng sản, Mỏ (bao gồm Than, Dầu mỏ, Khí đốt, Đá quý) và công nghiệp tiêu dùng.
Các Sở Công nghiệp là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Công nghiệp giúp Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành công nghiệp trên địa bàn địa phương bao gồm: Cơ khí, Luyện kim, Điện, Điện tử-Tin học, Hóa chất, Tài nguyên khoáng sản, Mỏ (Than, Dầu mỏ, Khí đốt, Đá quý) và công nghiệp tiêu dùng (theo phân cấp của Bộ Công nghiệp). Sở Công nghiệp chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Công nghiệp.
Các Tổng Công ty, Công ty, Nhà máy, Xí nghiệp, Mỏ, các đơn vị sản xuất kinh doanh (gọi tắt là các doanh nghiệp) thuộc ngành công nghiệp (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) đều làm chức năng quản lý doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Công nghiệp, các Sở Công nghiệp các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương. Về kỹ thuật an toàn công nghiệp và giám sát điện năng chịu sự quản lý trực tiếp của Cục Kiểm tra giám sát KTATCN và các Sở Công nghiệp tại các địa phương.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
A- Cục Kiểm tra giám sát KTAT công nghiệp có những nhiệm vụ sau:
1. Tham gia xây dựng các loại văn bản: tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn điện trình Bộ và Nhà nước ban hành.
2. Biên soạn quy định, hướng dẫn thực hiện các văn bản của Nhà nước liên quan đến kỹ thuật an toàn điện trình lãnh đạo Bộ Công nghiệp ban hành.
3. Tổ chức hướng dẫn, bồi huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác kỹ thuật an toàn về điện, sát hạch và cấp giấy chứng nhân cho cán bộ phụ trách kỹ thuật an toàn điện của các Sở Công nghiệp các địa phương và các doanh nghiệp.
4. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý kỹ thuật an toàn điện, đối với các Sở Công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành Điện và các Doanh nghiệp công nghiệp trong cả nước.
5. Tham gia thẩm định các giải pháp kỹ thuật an toàn và tham gia nghiệm thu về kỹ thuật an toàn đối với các dự án xây dựng cơ bản các công trình về điện trong phạm vi cả nước thuộc quyền quản lý của Bộ Công nghiệp.
6. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành liên quan đến kỹ thuật an toàn trong cung ứng sử dụng điện.
Tham gia, (hoặc tổ chức) điều tra các sự cố, hoặc các tai nạn nghiêm trọng xẩy ra tại các cơ sở công nghiệp. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan, đề xuất các giải pháp hạn chế, ngăn ngừa sự cố tai nạn và khắc phục hậu qủa.
7. Chịu trách nhiệm tổng hợp, lập các báo cáo tình hình an toàn định kỳ (3 tháng, 6 tháng, năm) và báo cáo nhanh (các sự cố, tai nạn nghiêm trọng) để báo cáo Bộ Công nghiệp.
B- Sở Công nghiệp
1. Chịu trách nhiệm biên soạn các tài liệu hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật, quy trình quy phạm về kỹ thuật an toàn điện trong phạm vi địa bàn địa phương quản lý.
2. Tham gia thẩm định các giải pháp kỹ thuật an toàn, và tham gia nghiệm thu về kỹ thuật an toàn điện đối với các công trình xây dựng cơ bản về điện trong phạm vi quản lý của địa phương.
3. Tham gia ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi bổ sung các quy trình quy phạm về kỹ thuật an toàn điện với các cấp có thẩm quyền ban hành.
4. Tổ chức bồi huấn sát hạch kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác kỹ thuật an toàn điện, cấp giấy chứng nhận cho cán bộ an toàn của các cấp (quận, huyện), các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý của địa phương.
Hướng dẫn, kiểm tra kết quả bồi huấn, sát hạch cấp thẻ an toàn (do các doanh nghiệp thực hiện) đối với công nhân, nhân viên quản lý vận hành điện ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức quản lý điện nông thôn trên địa bàn địa phương quản lý.
5. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về an toàn sử dụng điện.
Làm tham mưu cho chính quyền các địa phương (Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương) thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 70/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, và là thường trực của Ban chỉ đạo.
6. Tổ chức kiểm tra, hoặc tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn sử dụng điện tại địa phương. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện những vi phạm, hoặc những tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng tài sản của Nhà nước và nhân dân, đoàn kiểm tra có quyền kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đình chỉ ngay các hoạt động đó.
7. Tham gia điều tra các sự cố, tai nạn về điện trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và tai nạn về điện trong nhân dân trên địa bàn địa phương.
8. Theo dõi tổng hợp về sự cố, tai nạn về điện lập báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, năm) báo cáo nhanh (đối với sự cố nghiêm trọng, tai nạn chết người) báo cáo Bộ (chuyển về Cục Kiểm tra giám sát KTATCN).
C- Đối với các doanh nghiệp
(Các doanh nghiệp trong ngành Điện, các doanh nghiệp khác thuộc 5 thành phần kinh tế có sản xuất và tiêu dùng điện) trách nhiệm như sau:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quy phạm, quy trình, các văn bản pháp lý quy định về kỹ thuật an toàn điện hiện hành.
Trong nội bộ doanh nghiệp, việc tổ chức bộ máy, biên soạn quy trình, phân cấp chế độ trách nhiệm và quan hệ công tác về kỹ thuật an toàn điện do Giám đốc doanh nghiệp quy định (không trái với những quy định của Nhà nước hiện hành).
2. Các doanh nghiệp Công nghiệp (bao gồm cả 5 thành phần kinh tế) thuộc quyền quản lý của Bộ Công nghiệp, chịu sự chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra giám sát của Cục Kiểm tra giám sát KTATCN về công tác quản lý kỹ thuật an toàn điện.
3. Các doanh nghiệp công nghiệp địa phương (bao gồm cả 5 thành phần kinh tế) có sản xuất điện, tiêu thụ điện, các hộ nhân dân sử dụng điện (dùng điện lưới hoặc có các máy phát điện nhỏ gia đình) chịu sự hướng dẫn, kiểm tra giám sát của Sở Công nghiệp về kỹ thuật an toàn điện.
4. Các Điện lực các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, là các doanh nghiệp thành viên thuộc các Công ty điện lực nằm trong Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Các đơn vị này chịu sự chỉ đạo kiểm tra giám sát trực tiếp của các Công ty điện lực, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về mặt quản lý doanh nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp điện lực Tỉnh, Thành phố trực thuộc có trách nhiệm chấp hành những quy định và chịu sự kiểm tra giám sát của Sở Công nghiệp với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trong lĩnh vực an toàn giám sát điện năng. Đồng thời các doanh nghiệp Điện lực có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Công nghiệp tổ chức hướng dẫn tuyên truyền về an toàn sử dụng điện trong nhân dân - Là thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 70/HĐBT về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (với trách nhiệm là người đại diện chủ sở hữu, trực tiếp, trực tiếp quản lý trang thiết bị thuộc lưới điện địa phương).
5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (3 tháng, 6 tháng, năm) báo cáo nhanh (đối với các sự cố và tai nạn nghiêm trọng). Những doanh nghiệp trực thuộc quản lý của Bộ Công nghiệp thì gửi báo cáo về Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp công nghiệp đóng trên địa bàn địa phương đều gửi báo cáo về Sở Công nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp. Sở Công nghiệp và các doanh nghiệp, cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý biên chế đủ cán bộ làm công tác kỹ thuật an toàn điện có năng lực đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
2. Các đơn vị cần tiến hành rà soát, hệ thống hóa các văn bản, pháp quy, quy phạm, quy trình, tiêu chuẩn hiện có tiến hành bổ sung, sửa đổi hoặc biên soạn mới trình các cấp có thẩm quyền duyệt ban hành cho phù hợp về mặt thể chế hành chính, phù hợp với mô hình và cơ cấu tổ chức mới.
3. Các đơn vị cần lập kế hoạch bồi huấn chuyên môn nghiệp vụ, trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý kỹ thuật an toàn về điện.
Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp phối hợp với các trường đào tạo của Bộ, tổ chức lớp bồi huấn nghiệp vụ, kiểm tra sát hạch, cấp giấy chứng nhận cho các cán bộ chuyên trách kỹ thuật an toàn về điện của các địa phương và các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các Sở Công nghiệp tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ vào đầu năm 1997.
4. Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp lập kế hoạch trình Bộ về phương án phối hợp các ngành các cấp triển khai cuộc vận động thực hiện Nghị định 70/HĐBT về “bảo vệ an toàn lưới điện cao áp” trên phạm vi cả nước.
5. Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tổ chức, chỉ đạo việc kiểm tra tình trạng quản lý kỹ thuật an toàn việc chấp hành quy trình quy phạm và các quy định của Nhà nước hiện hành về KTAT điện năng tại các doanh nghiệp trong ngành điện; Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp chỉ đạo các Sở Công nghiệp tổ chức kiểm tra tại các địa phương trong cả nước; chấn chỉnh, uốn nắn những sai phạm, kiến nghị các giải pháp khắc phục với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
6. Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình quản lý KTAT vào nề nếp theo quy định.
Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp, các Sở Công nghiệp, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp căn cứ vào bản quy định này có kế hoạch từng bước thực hiện, có khó khăn vướng mắc hoặc ý kiến bổ sung sửa đổi thì phản ánh báo cáo về Bộ Công nghiệp, Bộ giao cho Cục Kiểm tra Giám sát KTAT công nghiệp tập hợp báo cáo trình Bộ.