• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/1961
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ GIÁO DỤC
Số: 55/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 15 tháng 12 năm 1961

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn thi hành thông tư số 195/TTg ngày 17-5-1961 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tổ chức, lãnh đạo công tác dạy văn hóa ngoài giờ tại các xí ngiệp, công trường, nông trường, lâm trường

________________________

Để thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay, yêu cầu học tập văn hoá, kỹ thuật trở thành yêu cầu cấp bách và thiết thân của cán bộ và nhân dân ta.

Đặc biệt trong các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, công tác bổ túc văn hoá phải là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác của các cơ sở sản xuất, cần gắn liền việc học tập văn hoá với việc nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật của cán bộ, công nhân. Nhưng đến nay phong trào phát triển chưa đều và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ sản xuất ngày càng phát triển.

Ngoài sự nhận thức chưa đúng mức về nhiệm vụ hàng đầu của công tác bổ túc văn hoá trong cán bộ lãnh đạo, một trong các nguyên nhân có ảnh hưởng không tốt đến phong trào là vấn đề tổ chức và lãnh đạo công tác bổ túc văn hoá ngoài giờ chưa được quy định cụ thể.

Thông tư số 195/TTg ngày 17-5-1961 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu quy định một số vấn đề tổ chức và lãnh đạo công tác dạy văn hóa ngoài giờ cho các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường.

Liên Bộ hướng dẫn các chi tiết cần thiết để việc thi hành ở các ngành,

các cấp được thống nhất.

I. VỀ LÃNH ĐẠO VÀ TỔ CHỨC

Thông tư nhấn mạnh thủ trưởng xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, lãnh đạo việc học tập văn hoá cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị sản xuất của mình.

Nhiệm vụ của Công đoàn là động viên tổ chức người đi học, giám đốc việc thi hành các chế độ, chính sách đã được ban hành, đề nghị khen thưởng. Muốn cho phong trào bổ túc văn hoá phát triển mạnh và vững chắc, thủ trưởng đơn vị phải thực sự bắt tay vào việc, lãnh đạo thực hiện kế hoạch học tập văn hoá cho đơn vị mình, xếp đặt nơi học, thi hành các chế độ đối với cán bộ, giáo viên chuyên trách hoặc kiêm chức phụ trách công tác bổ túc văn hoá.

Thủ trưởng đơn vị cần sắp xếp, bố trí thì giờ học tập của cán bộ, công nhân viên phù hợp với tình hình sản xuất trong đơn vị và phải tôn trọng chế độ học tập. ở các cơ sở sản xuất bố trí làm việc theo ca kíp thì cần tổ chức học tập theo ca kíp.

Đối với cán bộ, công nhân viên chức phải lưu động thường xuyên thì hàng tháng phải sắp xếp cho anh chị em nghỉ một số ngày để cho anh chị em có thể học tập.

Để việc tổ chức và lãnh đạo các lớp bổ túc văn hoá được tốt, Thông tư của Chính phủ có quy định số giáo viên và cán bộ chuyên trách công tác bổ túc văn hoá.

Cán bộ chuyên trách có nhiệm vụ giúp thủ trưởng lãnh đạo phong trào bổ túc văn hoá ở xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cụ thể:

- Tổ chức chỉ đạo, vận động phong trào: tổ chức trường, lớp, lập kế hoạch học tập, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hoá, thực hiện các chế độ học tập đã quy định, các chế độ công tác và quyền lợi của cán bộ, giáo viên bổ túc văn hoá, kết hợp chặt chẽ công tác bổ túc văn hoá với các mặt công tác khác, bảo đảm việc học tập cho cán bộ, công nhân được liên tục và có chất lượng.

- Chỉ đạo công tác chuyên môn: hướng dẫn chuyên môn, theo dõi việc thực hiện chương trình, kiểm tra, thăm lớp, tỏ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên bổ túc văn hoá.

Giáo viên chuyên trách có nhiệm vụ giảng dạy một số giờ, bồi dưỡng giáo viên kiêm chức về nghiệp vụ, soạn tài liệu giảng dạy, phụ đạo cho cán bộ lãnh đạo.

Về số cán bộ và giáo viên chuyên trách, thông tư Thủ tướng phủ đã quy định:

Những nơi tập trung từ 500 đến 1000 cán bộ, công nhân viên thì có một giáo viên chuyên trách làm công tác bổ túc văn hoá, từ 1000 đến 1500 ngoài giáo viên chuyên trách được thêm một cán bộ chuyên trách làm công tác bổ túc văn hoá. Nơi nào tập trung nhiều lớp cấp II và III, xét cần thêm giáo viên chuyên trách thì cơ quan đề nghị Bộ chủ quản xét và quyết định.

Dưới số cán bộ, công nhân viên đã quy định trên, Liên Bộ có ý kiến: những nơi tập trung từ 300 đến 500 cán bộ, công nhân, có nhiều khó khăn thì có thể có một giáo viên chuyên trách phụ trách cả về việc học tập kỹ thuật và văn hoá; dưới 300 thì công tác bổ túc văn hoá do Công đoàn kiêm nhiệm.

Về chương trình, tài liệu giáo khoa, Bộ Giáo dục xây dựng chương trình bổ túc văn hoá chung và biên soạn một số tài liệu giáo khoa cơ bản. Các ngành sẽ căn cứ vào yêu cầu sản xuất và yêu cầu đào tạo cán bộ của ngành mình mà chủ động biên soạn chương trình, tài liệu giáo khoa cho thích hợp để thực hiện cho được phương châm "cần gì học nấy".

Phong trào bổ túc văn hoá ngày càng phát triển mạnh đòi hỏi đội ngũ giáo viên và cán bộ chuyên trách hay kiêm chức ngày càng to lớn, nên việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ bổ túc văn hoá do các Bộ chủ quản và đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm. Bộ Giáo dục có trách nhiệm giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nếu các Bộ, các ngành cần cung cấp giáo viên chuyên trách các lớp ở cấp II, III đào tạo ở các trường sư phạm chính quy thì cần có dự trù kế hoạch trước với Bộ Giáo dục và chỉ tiêu kế hoạch phải được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phê duyệt.

II. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, GIÁO VIÊN

Thông tư của Thủ tướng phủ có quy định:

- Cán bộ và giáo viên chuyên trách, giáo viên kiêm chức được hưởng mọi chế độ hiện hành như cán bộ, công nhân viên và do xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường quản lý và sử dụng.

- Cán bộ, giáo viên kiêm chức vừa công tác, vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, cần bố trí thời gian cần thiết cho anh chị em soạn bài, chấm bài.

Cụ thể: Đối với các giáo viên chuyên nghiệp và phổ thông được các Khu, Sở, Ty giáo dục biệt phái hay điều động đến các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường làm công tác bổ túc văn hoá, hay giáo viên chuyên nghiệp do xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường tuyển dụng được hưởng các quyền lợi khác như giáo viên phổ thông các cấp, do ngân sách Bộ chủ quản đài thọ, như chế độ công tác, chế độ nghỉ hè, nghỉ phép, các chế độ bồi dưỡng chính trị, văn hoá, v.v...

Đối với cán bộ bổ túc văn hóa bán chuyên trách, đơn vị sản xuất sẽ dành cho một số giờ sản xuất hay công tác để làm công tác bổ túc văn hoá, số giờ này do Bộ chủ quản quy định tùy theo khối lượng công tác, nhưng ít nhất mỗi tuần lễ một buổi.

Đối với các giáo viên kiêm chức được trả thù lao theo các mức hướng dẫn sau đây:

Cấp I: 0,30đ 1 giờ

Cấp II: 0,40đ đến 0,60đ 1 giờ, Cấp III: 0,60đ đến 0,80đ 1 giờ.

Các đơn vị sản xuất sẽ căn cứ vào các mức hướng dẫn ở trên, căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng đóng góp của học viên, khả năng cụ thể của đơn vị mình mà quy định cho thích hợp nhằm đảm bảo phong trào và chất lượng giảng dạy.

Phong trào bổ túc văn hoá là một phong trào quần chúng, cần tạo điều kiện để mọi người có thể theo học được. Các cấp ủy Đảng cần là cho cán bộ, công nhân viên có trình độ văn hoá thấy rõ nhiệm vụ của mình là phải giảng dạy cho những anh chị em có trình độ văn hoá kém hơn và phải xung phong nhận sự phân công của đơn vị, mức phụ cấp nêu trên chỉ để thù lao ngoài giờ.

Những nơi chưa có điều kiện giải quyết thù lao cho giáo viên kiêm chức thì cần bố trí thời gian cho giáo viên nghỉ bù để soạn bài, chấm bài, thời gian này tương đương với số giờ lên lớp.

III. KINH PHÍ

Thông tư của Phủ Thủ tướng nêu rõ những phương châm tiến hành công tác bổ túc văn hoá là phải dựa vào quần chúng, có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước (1).

(1) Kinh phí chi cho bổ túc văn hoá đã được bổ sung tại Thông tư số 115/TTg ngày 12-12-1963 của Thủ tướng Chính phủ về cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp như sau:

"Chi về bổ túc văn hoá thì giải quyết theo Thông tư số 195/TTg ngày 17-5-1961 của Thủ tướng Chính phủ; riêng khoản lương giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá thì do Bộ chủ quản xí nghiệp chi như đã quy định trong Thông tư số 195/TTg".

Cụ thể là: số tiền chi cho cán bộ, giáo viên chuyên trách do Bộ chủ quản ghi vào ngân sách hàng năm của Bộ, phần kinh phí sự nghiệp. Các chi phí để trả thù lao cho giáo viên kiêm chức, các chi phí về tài liệu cho giáo viên giảng dạy, học cụ cho lớp đều do học viên đóng góp. Xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường dựa trên cơ sở đó cung cấp phương tiện cho lớp như bàn ghế, bảng đen, ánh sáng.

Các mức học phí sẽ do đơn vị sản xuất đề nghị, Bộ chủ quản duyệt y. Quỹ học phí do cơ quan quản lý, Công đoàn giám sát.

Những đơn vị sản xuất ít người, sau khi đã tổ chức các lớp ghép với đơn vị bạn, nếu số tiền học phí của học viên đóng góp không đủ để chi, thì số tiền chênh lệch sẽ trích quỹ xí nghiệp để chi; nơi nào không có quỹ xí nghiệp thì đề nghị Công đoàn chi.

Trên đây Liên Bộ chỉ hướng dẫn một số điểm trong thông tư của Thủ tướng phủ để các Bộ chủ quản, công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp thi hành. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề gì cần phải thay đổi hay đề nghị bổ sung, yêu cầu các Bộ chủ quản gửi ý kiến về Liên Bộ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đang cập nhật Bộ Tài chính

Đang cập nhật Bộ Giáo dục

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.