• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1971
BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 446-TC/LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 12 tháng 12 năm 1970

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Bổ sung Thông tư liên bộ số 22-TT/LB ngày 14-01-1970 về cấp phát và cho vay vốn xây dựng cơ bản đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và hướng dẫn việc cho vay vốn để mua sắm phương tiện vận tải của các địa phương

________________________

Thi hành Quyết định số 28-TTg/TN ngày 19-3-1969 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phát và cho vay vốn xây dựng cơ bản và vốn lưu động đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương, liên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt-nam đã có Thông tư hướng dẫn số 22-TT/LB ngày 14-01-1970 về cấp phát và cho vay vốn xây dựng cơ bản.

Từ đầu năm đến nay, một số địa phương đã được vay của Ngân hàng Nhà nước để mở rộng hoặc xây dựng mới một số cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh của địa phương.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế địa phương, việc đầu tư vốn kiến thiết cơ bản chẳng những phải dựa vào nguồn vốn xây dựng cơ bản tự có do ngân sách địa phương đảm bảo và vốn xây dựng cơ bản do ngân sách trung ương trợ cấp theo những nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 118-CP ngày 01-08-1967 của Hội đồng Chính phủ về phân cấp quản lý tài chính, mà còn phải tích cực sử dụng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt-nam nhận thấy là cần nâng mức vốn cho vay công nghiệp lên 300.000đ, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay vốn của Ngân hàng Nhà nước đến các Công ty vận tải địa phương để mua sắm phương tiện vận tải theo yêu cầu cần thiết, cụ thể là:

1. Đối tượng được vay dài hạn của Ngân hàng Nhà nước để phát triển công nghiệp đã được nêu rõ trong Thông tư liên Bộ số 22-TT/LB ngày 14-01-1970.

Về vay để mua sắm mới phương tiện vận tải, nay quy định là các công ty vận tải ở các địa phương, hạch toán kinh tế độc lập, vay vốn để mua sắm mới các loại ô-tô vận chuyển hàng hóa, ô-tô hoặc tàu và ca-nô chở hành khách (dưới đây đều gọi chung là phương tiện vận tải).

2. Mức cho vay:

- Đối với xí nghiệp công nghiệp địa phương, mức cho vay nâng lên có thể đến 300.000 đồng, là tính riêng cho mỗi công trình.

- Đối với các công ty vận tải địa phương, căn cứ vào nhu cầu phát triển vận tải của địa phương, khả năng cung cấp vốn của ngân sách địa phương và khả năng vốn tự có của công ty mà Ngân hàng quyết định mức cho vay cụ thể.

3. Nguồn vốn cho vay. Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt-nam căn cứ vào chỉ tiêu của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phân phối phương tiện vận tải cho địa phương và chỉ tiêu xây dựng cơ bản các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh của địa phương mà dự tính kế hoạch vốn cho vay trong năm đó. Bộ Tài chính chuyển vốn theo kế hoạch vào đầu mỗi quý, sang cho Ngân hàng Nhà nước Việt-nam.

4. Về thủ tục cho vay: Thi hành đúng như đã hướng dẫn trước đây về cho vay đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương.

5. Thời hạn và lợi suất tín dụng. Các công ty vận tải địa phương vay vốn Ngân hàng Nhà nước để mua sắm mới phương tiện vận tải như nói ở điểm 1 trên, phải trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 3 năm, cá biệt có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 5 năm, kể từ ngày vay vốn; lợi suất hằng năm phải trả là 2,16% (0,18% một tháng).

6. Nguồn vốn để trả nợ và lãi vay dài hạn để mua sắm phương tiện vận tải, cũng thi hành đúng như Quyết định số 28-TTg ngày 19-03-1969 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên Bộ số 22-TT/LB ngày 14-01-1970.

Đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt-nam sẽ chuyển nộp số vốn thu hồi được để cho vay dài hạn xây dựng cơ bản, mở rộng sản xuất công nghiệp quốc doanh địa phương và công ty vận tải địa phương vào ngân sách Nhà nước trung ương.

Thông tư liên Bộ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1971.

Trong quá trình thi hành, nếu có gì mắc mứu, khó khăn, yêu cầu các địa phương kịp thời báo cáo về liên Bộ để nghiên cứu cách giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đặng Việt Châu

Tạ Hoàng Cơ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.