QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Về thành phần và nhiệm vụ của
hợp đồng quản lý khai thác hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 31-8-1994;
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nước và công trình Thuỷ lợi, Giám đốc Công ty khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng (Công văn số 17/CV-CT ngày 01-02-1996) và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay thành lập Hội đồng quản lý khai thác hệ thống công trình Thuỷ lợi Dầu Tiếng gồm các thành viên sau đây:
1. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực ở phía Nam - Chủ tịch Hội đồng.
2. Đại diện UBND tỉnh Tây Ninh - Phó Chủ tịch Hội đồng.
3. Đại diện UBND T.p Hồ Chí Minh - Uỷ viên.
4. Đại diện UBND tỉnh Sông Bé - Uỷ viên.
5. Đại diện UBND tỉnh Long An - Uỷ viên .
6. Đại diện Công ty Thuỷ nông Tây Ninh - Uỷ viên.
7. Đại diện Công ty Thuỷ nông thành phố Hồ Chí Minh - Uỷ viên.
8. Đại diện Công ty Thuỷ nông Long An - Uỷ viên.
9. Đại diện Công ty Thuỷ nông Sông Bé - Uỷ viên.
10. Giám đốc Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Uỷ viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng.
Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời đại diện Uỷ ban nhân dân các huyện trong vùng hưởng lợi của công trình và đại diện các ngành liên quan đến khai thác và bảo vệ công trình tham dự các kỳ họp của Hội đồng.
Điều 2. Hội đồng quản lý khai thác hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu tiếng có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Thông qua chủ trương kế hoạch quản lý khai thác lợi dụng tổng hợp và bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng.
2. Thông qua quy trình vận hành hệ thống, quy hoạch kế hoạch sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao hệ thống công trình thuỷ lợi, kế hoạch điều hoà phân phối nước hàng năm, từng vụ; kế hoạch phòng chống bão lũ, sự cố khẩn cấp, bảo vệ công trình; kế hoạch phân bổ chỉ tiêu; nhiệm vụ đóng góp nhân lực, vật liệu, kinh phí cho việc quản lý, bảo vệ hệ thống công trình; kế hoạch thu thuỷ lợi phí và mức trích nộp cho Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng.
3. Theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống trong kế hoạch phân phối điều hoà nước, sử dụng nước giữa các địa phương và các ngành liên quan.
4. Xem xét và quyết định tạm thời đình chỉ những công việc tiến hành trong hệ thống không phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng hoặc chưa được Hội đồng thông qua để phối hợp với các cấp có thẩm quyền liên quan giải quyết.
Trong trường hợp xẩy ra đột xuất ảnh hưởng đến công tác khai thác và bảo vệ công trình nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây hậu quả nặng nề thì Chủ tịch Hội đồng được quyền tự quyết định. Sau đó thông báo cho các địa phương và các thành viên Hội đồng biết và thực hiện.
Điều 3. Hội đồng quản lý khai thác hệ thống công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng họp thường kỳ trước mỗi vụ sản xuất nông nghiệp và có thể họp bất thường khi cần thiết. Nghị quyết của các kỳ họp Hội đồng phải được gửi đến các cơ quan liên quan, các địa phương, các thành viên Hội đồng trong thời gian không quá 7 ngày sau ngày họp.
Giám đốc Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng sử dụng bộ máy của Công ty làm cơ quan giúp việc cho Hội đồng.
Điều 4. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 1651 QĐ/TCCB/LĐ ngày 12 tháng 12 năm 1991 của Bộ Thuỷ lợi (cũ) và có hiệu lực từ ngày ban hành.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Tây Ninh, Sông Bé, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục quản lý nước và công trình Thuỷ lợi, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.