• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2018

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 273/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông

--------------------

 

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011; Nghị định số 81/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 273/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 273/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016

1. Sửa đổi, bổ sung Biểu mức thu phí, lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông ban hành kèm theo Thông tư số 273/2016/TT-BTC: Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Thông tư số 273/2016/TT-BTC như sau:

“1. Phí cung cấp dịch vụ viễn thông

a) Doanh thu dịch vụ viễn thông để làm căn cứ tính phí thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, Thông tư số 21/2013/TT-BTTTT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về doanh thu dịch vụ viễn thông và Thông tư số 01/2016/TT-BTTTT ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 21/2013/TT-BTTTT ngày 18 tháng 12 năm 2013. Trong trường hợp doanh nghiệp không hạch toán doanh thu dịch vụ viễn thông theo các quy định trên, doanh thu dịch vụ viễn thông được xác định là doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ viễn thông tại báo cáo tài chính (gồm cả doanh thu bán thẻ).

b) Hàng quý, căn cứ số liệu báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông quý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, doanh nghiệp tính số phí phải nộp theo công thức sau:

Số phí phải nộp  =  Doanh thu dịch vụ viễn thông quý  x  0,5%.

Thời điểm nộp phí cùng thời điểm nộp báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông quý.

c) Hàng năm, căn cứ số liệu báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông năm, doanh nghiệp tính số phí phải nộp theo công thức sau:

Số phí phải nộp năm = Doanh thu dịch vụ viễn thông năm  x  0,5%.

c.1) Trường hợp số phí phải nộp theo năm cao hơn số phí phải nộp của 04 quý, doanh nghiệp nộp bổ sung phần chênh lệch cho tổ chức thu, thời điểm nộp phí cùng thời điểm nộp báo cáo năm. Trường hợp số phí phải nộp theo năm thấp hơn số phí phải nộp của 04 quý, doanh nghiệp được bù trừ phần chênh lệch cho số phí phải nộp của quý tiếp theo.

c.2) Trường hợp số phí phải nộp theo năm tính theo doanh thu dịch vụ viễn thông (doanh thu  x  0,5%) thấp hơn Mức phí tối thiểu quy định tại Biểu mức thu phí, doanh nghiệp phải nộp bổ sung phần chênh lệch cho tổ chức thu. 

c.3) Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông (bao gồm cả cấp mới, sửa đổi, bổ sung giấy phép) sau ngày 01 tháng 01 hàng năm; giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi trước ngày 01 tháng 01 năm sau (hoạt động không tròn năm):

Mức phí tối thiểu trong trường hợp này = Mức phí tối thiểu năm (quy định tại Biểu mức thu phí)  x  Số tháng tính phí/12.

Trong đó: Số tháng tính phí được tính từ tháng sau của tháng được cấp giấy phép (bao gồm cả cấp mới hoặc sửa đổi, bổ sung giấy phép) đến hết tháng giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi (bao gồm cả thu hồi giấy phép khi sửa đổi, bổ sung). Trường hợp giấy phép được cấp và hết hạn hoặc thu hồi không cùng năm thì số tháng tính phí của năm cấp phép tính từ tháng sau của tháng được cấp giấy phép đến hết tháng 12 năm đó; số tháng tính phí của năm giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi tính từ tháng 01 đến hết tháng giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi.

Ví dụ 1: doanh nghiệp A được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 15 tháng 10 năm 2018 bị thu hồi giấy phép: Số tháng tính phí là 7 tháng, tính từ tháng 4 đến hết tháng 10.

Ví dụ 2: doanh nghiệp B được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông ngày 15 tháng 3 năm 2018: Số tháng tính phí năm 2018 là 9 tháng, tính từ tháng 4 đến hết tháng 12. Năm sau, số tháng tính phí tính từ tháng 01.

Ví dụ 3: doanh nghiệp C được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trước năm 2018, đến ngày 15 tháng 6 năm 2018 bị thu hồi giấy phép: Số tháng tính phí năm 2018 là 6 tháng, tính từ tháng 1 đến hết tháng 6.

2. Phí thiết lập mạng viễn thông công cộng: Doanh nghiệp viễn thông nộp hàng năm, thời gian nộp phí trong quý I.

a) Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng sau ngày 01 tháng 01 hàng năm hoặc giấy phép hết hạn trước ngày 01 tháng 01 năm sau (hoạt động không tròn năm):

Số phí phải nộp = Mức phí năm  x  Số tháng tính phí/12.

Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng sau ngày 01 tháng 01: Thời gian nộp phí lần đầu chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng sau tháng được cấp giấy phép.

b) Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép mà mức phí thiết lập mạng viễn thông công cộng khác với mức phí áp dụng đối với giấy phép đã cấp:

Số phí phải nộp = Số phí phải nộp tính theo giấy phép cũ (Mức phí năm  x  Số tháng tính phí/12)  +  Số phí phải nộp tính theo giấy phép mới (Mức phí năm  x  Số tháng tính phí/12).

Số phí tăng (hoặc giảm) sẽ được bù trừ vào số phí của lần nộp phí của năm kế tiếp.

Ví dụ 4: doanh nghiệp D đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cố định mặt đất không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, số thuê bao viễn thông trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Mức phí phải nộp là 100 triệu đồng/năm.

Đến ngày 15 tháng 9 năm 2018, doanh nghiệp D được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung; trong đó mở rộng phạm vi thiết lập mạng viễn thông công cộng từ trong phạm vi 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lên trong phạm vi 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mức phí áp dụng cho giấy phép sửa đổi, bổ sung là 600 triệu đồng/năm.

Số phí doanh nghiệp D phải nộp năm 2018 là 225 triệu đồng, trong đó:   Số phí phải nộp tính theo giấy phép cũ là 75 triệu đồng (= 100 triệu đồng x 9/12); Số phí phải nộp tính theo giấy phép mới là 150 triệu đồng (= 600 triệu đồng x 3/12).

Số tháng tính phí tại khoản này áp dụng theo quy định tại điểm c.3 khoản 1 Điều này”.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.

2. Đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực, các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không phát sinh doanh thu dịch vụ và có quyết định thu hồi giấy phép thì không phải nộp phí quyền hoạt động viễn thông.

3. Phí đối với hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp viễn thông trên biển tại điểm 4 (b) khoản 2 mục II Biểu mức thu phí, lệ phí cấp giấy phép hoạt động viễn thông áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./. 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.